Ngân hàng - Bảo hiểm
Chủ tịch Agribank: Có hiện tượng lách luật để vay vốn, tuồn vào bất động sản
T.L - 28/12/2022 17:14
Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cũng kiến nghị cần có một chương trình hỗ trợ cũng như kiểm soát thị trường bất động sản để tránh khủng hoảng đối với thị trường này.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank.

Kiến nghị sớm tăng vốn cho Agribank

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, dự kiến đến ngày 31/12/2022, Agribank sẽ hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu chính, trong đó, tổng tài sản đạt gần 1 triệu 850 ngàn tỷ đồng, huy động vốn gần 1 triệu 680 ngàn tỷ đồng, tín dụng đạt 1 triệu 450 ngàn tỷ đồng, với 65% dư nợ phục vụ cho “tam nông”.  

Trong điều kiện khó khăn, Agribank đa thể hiện rõ nét vai trò của một ngân hàng thương mại nhà nước lớn trong tuân thủ pháp luật, thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, là công cụ quan trọng của Nhà nước góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nhiều thông tin tiêu cực về các ngân hàng thương mại cổ phần, Agribank vẫn không thay đổi chính sách cấp tín dụng cho các thành viên trên thị trường, góp phần ổn định tâm lý thị trường; là ngân hàng gương mẫu kiểm soát việc tăng lãi suất huy động vốn để tránh tạo ra cuộc đua lãi suất, nhằm có điều kiện để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay vốn.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% nên điều chuyển

Về triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ, lãnh đạo Agribank thừa nhận, việc triển khai rất khó khăn. Nguyên nhân một phần vẫn còn bất cập giữa cơ chế với thực tiễn, một phần tâm lý e ngại của cả cán bộ ngân hàng và khách hàng, đặc biệt là khách hàng không mặn mà với chính sách này.
Với gói hỗ trợ này, Agribank đề nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét trình Quốc hội chuyển đổi việc hỗ trợ gián tiếp qua lãi suất vay vốn bằng chi trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước hoặc cơ chế giảm thuế cho các đối tượng cần được hỗ trợ.

Agribank đã tìm mọi giải pháp phù hợp để hỗ trợ khách hàng vay vốn, nhất là khách hàng bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khách hàng là đối tượng ưu tiên theo Nghị định 31 của Chính phủ. Đặc biệt trong tháng 12, Agribank đã dành gần 2.000 tỷ đồng để giảm 20% lãi suất cho vay đối với đối tượng này, nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Dù có công lớn trong hỗ trợ nền kinh tế, duy trì ổn định hệ thống, song bản thân Agribank lại đang trong tình cảnh khó khăn vì tăng vốn.

“Do vốn điều lệ thấp nên theo quy định thì với quy mô tín dụng hiện tại, Agribank không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng, vì vậy, trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ ở mức thấp so với bình quân chung toàn hệ thống”, Chủ tịch Agribank cho biết

Do đó, ông Phạm Đức Ấn kiến nghị, việc cấp vốn điều lệ cho Agribank là việc rất cấp thiết để Agribank đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023 phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông, Chính phủ cần triển khai việc tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỷ dồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho Agribank.

Có hiện tượng lách luật để vay vốn, tuồn vào bất động sản 

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, hiện nay, xu hướng cá nhân, nhóm cá nhân phối hợp hình thành nhóm công ty có mối liên hệ rất mật thiết với nhau nhưng thuê hoặc ủy quyền người khác đứng tên để lách quy định về người có liên quan để vay vốn ngân hàng cho hoạt động kinh doanh thông thường nhưng thực chất là đầu tư kinh doanh mạo hiểm, kinh doanh bất động sản. Vì vậy, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của ngân hàng thương mại là rất khó khăn và không khả thi, tiềm ẩn rủi ro cao đối với nhóm khách hàng này.

Thực tế cho thấy, sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp chưa kịp phục hồi thì chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát của các nền kinh tế lớn, chính sách phương Tây cấm vận Nga, khó khăn của thị trường bất động sản… đang ảnh hưởng tiêu cực ngày càng sâu hơn đối với doanh nghiệp. Vì vậy, khả năng trả nợ trong năm 2023 của doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ nợ xấu tăng cao. 

Chính vì vậy, lãnh đạo Agribank cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành cần có một chương trình hỗ trợ cũng như kiểm soát thị trường bất động sản để tránh khủng hoảng đối với thị trường này sẽ gây hệ lụy tiêu cực đến các ngành khác nhưng đồng thời cũng giải quyết triệt để bài toán đầu cơ, thổi giá bất động sản như thời gian vừa qua vừa gây thiệt hại cho người dân có nhu cầu nhà ở, vừa thiệt hại cho nền kinh tế trong dài hạn. Chính phủ cần có cơ chế để kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân có hệ số sử dụng vốn huy động lớn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục áp dụng cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng có khó khăn về dòng tiền trả nợ ngân hàng.

Tin liên quan
Tin khác