Đánh giá về triển vọng các kênh vốn trong năm 2023, ông Thuân cho rằng, thị trường vốn có điểm sáng, nhưng phụ thuộc nhiếu yếu tố.
Trong đó có việc triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp quản lý nhà nước với các kênh vốn như cơ sở dữ liệu pháp lý bất động sản để nhà đầu tư trái phiếu, ngân hàng, nhà đầu tư quốc tế dễ dàng tra cứu, xác minh thông tin.
Với tín dụng ngân hàng là kênh vốn chính cho doanh nghiệp phát triển, chỉ có điều năng lực vốn trung và dài hạn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, các kênh vốn khác sẽ có tác động nhiều.
Trong đó, với kênh trái phiếu, ông Thuân kỳ vọng, năm 2023 tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu nhiều vì họ đã phân hóa rõ và thay đổi chính sách; đồng thời thị trường thứ cấp tập trung trên sàn HNX sẽ đi vào vận hàng chính thức trước thời hạn Chính phủ yêu cầu theo Nghị định 65 là 30/6 và một phần của thị trường trái phiếu được xử lý.
Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ hay đại chính cũng có chợ để minh bạch thông tin và thanh khoản khi cần thiết.
Điểm sáng nữa được kỳ vọng là kênh trái phiếu chào bán ra đại chúng, dự kiến năm 2023 tăng thêm nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng sau khi được xếp hạng tín nhiệm.
Bên cạnh đó, hiện tại Bộ Tài nguyên Môi trường lấy ý kiến dự thảo phân loại xanh áp dụng cho hệ thống ngân hàng và trái phiếu, Fin đang làm việc với 4 doanh nghiệp lớn ở các ngành có điều kiện nhận hỗ trợ vốn với kỳ hạn dài.
Kênh thứ 3 là vay, trái phiếu quốc tế, chủ yếu áp dụng với doanh nghiệp lớn. Đã có 10 doanh nghiệp thành công trong đó có 2 doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm. Ông Thuân nhấn mạnh, nhà đầu tư quốc tế lúc nào cũng quan tâm đến Việt Nam với mức lãi suất nhiều doanh nghiệp có thể chấp nhận được.
Về kênh huy động vốn từ cổ phiếu thì rất khó đoán, doanh nghiệp lớn không quá lệ thuộc.Với các nguồn vốn khác như các doanh nghiệp bất động sản vận động kênh vốn lẫn nhau, một số doanh nghiệp tận dụng tín dụng xuất nhập khẩu nhiều…
Tuy nhiên, ông Thuân cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp cần thiết rà soát danh mục đầu tư, hạn chế dự án rủi ro cao/đòn bẩy cao; rà soát nghĩa vụ nợ hiện tại, chủ động minh bạch thông tin; cải thiện hồ sơ tín dụng để có chiến lược vốn dài hạn hơn.
Chủ tịch Fiin Group cho biết, trong 2 tháng cuối năm 2022, chỉ có 9 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp và giá trị nhỏ, chưa đến 2.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, kênh trái phiếu doanh nghiệp, lâu nay chúng ta đề cập chủ yếu là phát hành riêng lẻ với quy mô lớn. Mấy năm qua, có 230 tổ chức tham gia phát hành huy động vốn từ thị trường cho hoạt động phát triển của doanh nghiệp, nhưng lại bỏ quên hoặc ít chú ý nhiều là phát hành ra công chúng nội địa.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, không chỉ từ bên ngoài mà cả cơn gió ngược trong nội tại. Kênh trái phiếu doanh nghiệp là huy động vốn trung và dài.
Tuy nhiên, từ tháng 6/2022 các hoạt động mua lại, nhà đầu tư chủ động đáo hạn ảnh hưởng đến dòng tiền doanh nghiệp, gây khó khăn kép cho doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp bất động sản ảnh hưởng nhiều. Đây là điều rất đáng tiếc do tác động từ một vài vụ việc vi phạm cá biệt.
Chính phủ và các bộ ngành đang chung tay phát triển lành mạnh, xử lý vi phạm trước mắt, tháo gỡ khó khăn của các kênh vốn, lấy lại niềm tin của nhà đâu tư cá nhân và thị trường.