Góp tham luận tại Hội nghị của Chính phủ triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2014-2015, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà nhận xét, “tôi thấy hiện nay, gì cũng vận hành theo nguyên tắc thị trường, nhưng tiền lương thì không theo thị trường”.
Ông Hà dẫn chứng, tiền lương của Chủ tịch Tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ở mức 36 triệu đồng/tháng - chưa bình luận cao hay thấp - nhưng lấy cơ sở đâu để quy định mức 36 triệu? Bởi theo nguyên tắc thị trường, thù lao phải căn cứ vào năng suất, hiệu quả, chất lượng lao động.
Bình luận về điều này, Chủ tịch BIDV chia sẻ: “Thu nhập kiểu này không sống được cũng phải sống, bởi dù sao còn hơn công chức Nhà nước. Nhưng, vậy là chưa phù hợp, chưa sát thực với thực tiễn và chưa tạo thành động lực, còn phải theo khung quy định”.
Ông Trần Bắc Hà cho rằng, cần phải nghiên cứu và sửa đổi theo nguyên tắc thị trường về thu nhập, tiền lương tại DNNN. Vấn đề tiền lương tại các DNNN là một trong những nội dung “nóng” được dư luận quan tâm. Trong Hội nghị này, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM kiến nghị, không đưa vào danh sách doanh nghiệp Nhà nước nắm trên 50% vốn những công ty trong lĩnh vực thoát nước đô thị, vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị.
“Tôi thấy không có lý do gì để xác định những doanh nghiệp này phải là doanh nghiệp Nhà nước cả!”- ông Lê Mạnh Hà nói. Lãnh đạo TPHCM chỉ ra rằng, trong thời gian vừa qua, chính các doanh nghiệp này đã lộ ra những sai phạm, trong đó có sai phạm về tiền lương. Cụ thể, tại doanh nghiệp chiếu sáng đô thị, lương bình quân rất cao. Theo phản ánh của ông Hà, nếu mức lương tối thiểu 1,05 triệu đồng thì lương trung bình của toàn công ty này đã trên 40 triệu đồng/người/tháng – đồng thời nhấn mạnh, đây là mức lương bình quân chung chứ không phải là mức lương của riêng lãnh đạo. “Rõ ràng là có vấn đề!”, ông Hà nhận xét.
Ngoài ra, theo ông Hà, tại các công ty như vệ sinh môi trường của thành phố, nhiệm vụ vệ sinh môi trường thì có nhưng tỷ lệ không cao mà chủ yếu là các kinh doanh khác, nếu giữ lại là DNNN thì không cần thiết. Các lĩnh vực này nếu để xã hội hóa, để các doanh nghiệp tư nhân làm có khi hiệu quả hơn và rẻ hơn, Phó Chủ tịch TPHCM nhìn nhận.
| ||
Tại nhiều DNNN, cách biệt thu nhập giữa viên chức lãnh đạo và người lao động rất lớn. |
Còn bất cập trong thực hiện phân phối tiền lương Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), qua tổng hợp số liệu công ty mẹ của các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty hạng đặc biệt, trong giai đoạn 2008-2012, tiền lương bình quân của người lao động tăng bình quân 18,6%/năm song năng suất lao động bình quân (tính theo doanh thu) chỉ tăng 17,5%/năm và lợi nhuận tăng 3,1%/năm. Chênh lệch về tiền lương, tiền thưởng của viên chức quản lý giữa các doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp có lợi thế) cao gấp 2-3 lần doanh nghiệp khác. Thu nhập một số viên chức quản lý đại diện vốn nhà nước ở nhiều doanh nghiệp quá cao, mất cân đối chung. Trong khi đó, việc phân phối tiền lương vẫn còn bình quân, chưa theo vị trí công việc. Một số công ty phân phối có sự chênh lệch lớn giữa khối văn phòng và đơn vị thành viên, dùng quỹ lương, tiền thưởng của người lao động để trả thêm cho viên chức quản lý, dẫn đến tiền lương của viên chức quản lý quá cao so với quy định; tuyển dụng dư thừa dẫn đến dôi dư, Nhà nước phải giải quyết. Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2013, các quy định pháp luật đã có những thay đổi. Trong đó yêu cầu, đối với viên chức quản lý, tiền lương gắn với hiệu quả, có khống chế tối đa, trong đó Nhà nước quy định mức lương cơ bản, gắn với quy mô doanh nghiệp (cao nhất là Chủ tịch Tập đoàn kinh tế 36 triệu đồng/tháng). Trường hợp doanh nghiệp có hiệu quả cao thì viên chức quản lý được tăng thêm tiền lương tối đa 0,5 lần mức lương cơ quản, hiệu quả thấp thì hưởng thấp hơn mức lương cơ bản. Thù lao đối với vien chức quản lý đại diện vốn góp ở nhiều công ty bị khống chế không vượt quá 50% mức tiền lương thực tế đang hưởng. |
Bích Diệp (Dân trí)