Khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng về việc lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM nhận mức lương “khủng”, từ mức gần 700 triệu đồng/năm đến 2,6 tỷ đồng/năm, ngày 29/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, họ vừa phát hiện thêm những sai phạm tương tự tại 8 doanh nghiệp khác.
| ||
Việc thực hiện chính sách tiền lương tại nhiều doanh nghiệp công ích đang có vấn đề. (Ảnh: L.T) |
Điều đáng nói, theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, 8 doanh nghiệp vừa bị phát hiện cũng đều là những doanh nghiệp công ích và các sai phạm trong chi trả tiền lương lãnh đạo cũng rất nghiêm trọng.
Dù chưa tiết lộ danh tính cụ thể, nhưng theo ông Khiết, các doanh nghiệp này vi phạm trắng trợn các quy định về tiền lương khi trích quỹ lương của người lao động để khen thưởng, chi trái nguyên tắc cho giám đốc, phó giám đốc và kế toán trưởng.
Ngoài ra, lãnh đạo đơn vị còn cố tình chỉ ký hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng với rất nhiều lao động, dù họ đã làm việc lâu năm tại công ty và có đủ điều kiện để ký hợp đồng dài hạn. Do vậy, quyền lợi của người lao động bị xâm hại nghiêm trọng, khi họ không được đóng các loại bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp.
Những vụ việc trên cho thấy, việc kiểm soát thu nhập tiền lương của viên chức quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đang có vấn đề.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, các quy định về tiền lương của viên chức quản lý trong các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối đều đã có đầy đủ và rất rõ ràng.
Cụ thể, lương của các lãnh đạo, các chức danh chủ chốt trong các doanh nghiệp nhà nước từ năm 2012 trở về trước được quy định tại Nghị định 206/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Gần đây hơn, ngoài Bộ luật Lao động sửa đổi đã có hiệu lực từ 1/5/2013, Chính phủ cũng mới ban hành Nghị định 50/2013/NĐ-CP và Nghị định 51/2013/NĐ-CP về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và lãnh đạo, viên chức quản lý chuyên trách trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Tuy nhiên, trả lời phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, các vụ sai phạm trên cho thấy, cơ chế quản lý của các cơ quan, đơn vị có quyền hạn, trách nhiệm duyệt đơn giá tiền lương còn lỏng lẻo. Trong khi đó, doanh nghiệp đã biết rõ quy định, nhưng cố tình vi phạm.
Theo ông Lợi, Quốc hội lâu nay cũng có giám sát về vấn đề này, nhưng còn ở mức độ khiêm tốn, bởi tốn nhiều thời gian cho việc xây dựng pháp luật. “Sau các vụ việc trên, chúng tôi sẽ cân nhắc đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng cường giám sát, hoặc Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng có thể độc lập kiểm tra, giám sát”, ông Lợi cho biết.
“Quy định pháp luật về tính toán cơ chế tiền lương cho các lãnh đạo, viên chức quản lý doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối hiện đã có đầy đủ và rõ ràng. Việc kiểm tra thuộc trách nhiệm của các địa phương. Vấn đề là họ có thanh tra, kiểm tra đầy đủ hay, sát sao hay không”, Thứ trưởng Huân cho biết.
Riêng đối với các doanh nghiệp sai phạm vừa phát hiện tại TP.HCM, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cử người vào để kiểm tra cụ thể và bàn các biện pháp xử lý các cá nhân sai phạm. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn bộ các doanh nghiệp công ích về thực hiện chính sách tiền lương.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ, cơ quan này đang lập đoàn kiểm tra, trong tuần đầu tháng 9 sẽ bắt đầu tiến hành thanh tra chính sách tiền lương tại hàng loạt doanh nghiệp công ích trên địa bàn và sẽ sớm có kết quả.
“Sắp tới, Bộ cũng sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng chỉ đạo cụ thể các bộ, ngành, địa phương nhằm kiểm soát tốt hơn tiền lương lãnh đạo trong các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp do nhà nước nắm quyền chi phối”, ông Huân cho biết thêm.
Phan Long