Bình Thuận đã từng được nhà đầu tư biết đến với cam kết nổi tiếng “gỡ đinh dưới tấm thảm thu hút đầu tư” theo chỉ đạo của Chính phủ. Dưới góc độ cải thiện môi trường đầu tư, cam kết này đã được Bình Thuận triển khai như thế nào, thưa ông?
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là công việc mà Bình Thuận đã và sẽ thực hiện liên tục trong thời gian qua và cả trong thời gian tới. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận là quyết tâm chấm dứt tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”.
Tỉnh đã ban hành 2 chương trình hành động để thực hiện xuyên suốt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, cải thiện tốt môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh canh cấp tỉnh (PCI).
Trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hạ tầng có nhiều dự án quy mô lớn. |
Chương trình hành động của Bình Thuận thể hiện rõ quan điểm “đồng hành bền vững cùng nhà đầu tư”. Theo đó, Bình Thuận sẽ cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính từ quản lý sang phục vụ, nỗ lực nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành kinh tế. Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2017 cũng là hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.
Hội nghị được tổ chức nhằm quảng bá các tiềm năng, lợi thế; các cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh Bình Thuận và các dự án đang ưu tiên kêu gọi đầu tư. Hội nghị cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh, cũng như các cơ quan chuyên môn của địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư hoặc tìm hiểu thông tin đầu tư vào các dự án cụ thể.
Trong năm 2017, Bình Thuận sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào những lĩnh vực nào?
Đây là thời điểm “vàng” để các nhà đầu tư đến với Bình Thuận. Chúng tôi đang hội tụ rất nhiều điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi và gặt hái thành công, đặc biệt là 3 đột phá về hạ tầng giao thông. Đó là sự ra đời của sân bay Phan Thiết, cảng tổng hợp Vĩnh Tân và đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Nha Trang. Các công trình giao thông trọng điểm này đã và đang có nhiều tiến triển, sớm hình thành trong vài năm tới.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2017 được kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tổ hợp du lịch - dịch vụ cao cấp, các khu - cụm công nghiệp, năng lượng sạch...
Với những lĩnh vực trên, “thực đơn” mời gọi đầu tư cụ thể của Bình Thuận trong năm 2017 sẽ gồm những gì?
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2017, Bình Thuận giới thiệu danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn theo hình thức đầu tư trong nước, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài. Trong đó, lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hạ tầng có nhiều dự án quy mô lớn như: Khu du lịch ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú có diện tích 1.353 ha, thuộc địa bàn hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong; Khu du lịch giải trí đường 706B rộng hơn 1.000 ha tại TP. Phan Thiết; Khu du lịch Bàu Trắng (Bắc Bình) quy mô gần 550 ha. Ngoài ra, Bình Thuận cũng mời gọi nhà đầu tư triển khai Dự án Tàu cao tốc Phan Thiết - Phú Quý (phục vụ 250 - 280 khách/tàu) và các dự án dịch vụ y tế cao cấp, bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ với quy mô tùy chọn tại Phan Thiết hay La Gi.
Ưu tiên hàng đầu của Bình Thuận là huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, giữ vững thương hiệu du lịch Mũi Né - Hàm Tiến, Hòn Rơm và Hoà Thắng - Hoà Phú. Song song đó, Bình Thuận tăng cường quảng bá liên kết sản phẩm du lịch với các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, nhất là TP.HCM, Đà Lạt, Nha Trang. Tỉnh đang tích cực triển khai đồ án quy hoạch lại Mũi Né, quy hoạch Khu đô thị mới Hoà Thắng - Hoà Phú, mà hạt nhân là tổ hợp du lịch - thương mại- bất động sản để tạo hàng lang phát triển du lịch xứng tầm.
Một trong những lợi thế của Bình Thuận là thu hút đầu tư công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp năng lượng sạch. Lợi thế này sẽ được giới thiệu như thế nào với nhà đầu tư?
Trong lĩnh vực công nghiệp, Bình Thuận sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm như Trung tâm Nhiệt điện khí Sơn Mỹ công suất 4.000 MW, Nhà máy Chế biến khí hóa lỏng Sơn Mỹ, Nhà máy Chế biến sâu titan (gồm xỉ, hợp chất zircon, rutin nhân tạo, pigment, titan kim loại, titan xốp, ferro titan), Nhà máy Chế biến nhôm và chế tạo các sản phẩm nhôm, dự án khai thác và tinh chế bentonit…
Với nhiều khu công nghiệp đã được quy hoạch, Bình Thuận tiếp tục thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô - xe máy, Nhà máy sản xuất vật tư - thiết bị y tế, Nhà máy may xuất khẩu, Nhà máy sản xuất phân bón, Nhà máy chế biến thức ăn gia súc các loại.
Các dự án thuộc lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế cũng được chú trọng kêu gọi đầu tư như: Nhà máy chế biến hải sản đóng hộp và hàng đông cao cấp, Nhà máy sản xuất các sản phẩm từ tảo - rong biển, Nhà máy sản xuất các sản phẩm từ muối và sau sản phẩm muối, Nhà máy dệt lưới đánh cá và sản xuất ngư cụ, Nhà máy chế biến hạt điều, Nhà máy chế biến mủ cao su, Nhà máy chế biến - đóng hộp nước giải khát, Nhà máy chế biến quả thanh long, Nhà máy xử lý nhiệt (trái thanh long)…
Trong đó có 113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,69 tỷ USD thuộc 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo định hướng của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Thuận trở thành một trung tâm năng lượng của cả nước. Hiện tại, các dự án thuộc 3 lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện, phong điện đã và đang hình thành. Ngoài Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, lĩnh vực phát triển năng lượng sạch như phong điện, điện mặt trời, điện khí được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Cùng với đó, trong lĩnh vực công nghiệp, Bình Thuận cũng mời gọi một số dự án ở lĩnh vực nông - lâm - thủy sản mà Bình Thuận mong muốn sớm có doanh nghiệp xúc tiến đầu tư như: nuôi hải đặc sản trên biển (Tuy Phong, Phú Quý), đầu tư đội tàu dịch vụ và đánh bắt xa bờ (La Gi, Phan Thiết, Tuy Phong), đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (Bắc Bình).
Bên cạnh du lịch, nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực được xem có nhiều tiềm năng phát triển tại Bình Thuận. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2017, tỉnh sẽ đưa ra cam kết gì với nhà đầu tư?
Bình Thuận xác định, nếu không có sự bứt phá từ công nghệ cao thì nền nông nghiệp của tỉnh sẽ mãi giậm chân tại chỗ. Theo đó, sản xuất lúa nằm trong quỹ an ninh lương thực ổn định, nhưng đột phá từ cây lúa không hiệu quả. Còn sản xuất thanh long đã giảm bởi nhiều yếu tố, trong đó có dịch bệnh và thị trường tiêu thụ. Như vậy, để phát triển nông nghiệp, Bình Thuận sẽ phải dựa vào công nghệ cao.
Bình Thuận đang hình thành Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Khu phức hợp này bao gồm 3 trung tâm là khu trang trại nuôi bò giống thịt sinh sản (quy mô nuôi 6.000 con bò giống thịt, bò sinh sản); khu trang trại nuôi bò sữa; khu nhà máy chế biến các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, khu phức hợp còn dành 2.500 ha để làm đồng cỏ công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận đang đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô diện tích 2.000 ha tại huyện Bắc Bình, để sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây sẽ là điểm nhấn tiên phong, tạo cơ sở phát triển lan toả nông nghiệp công nghệ cao cho địa phương. Các dự án này sẽ giải quyết được bài toán chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, đồng thời khai thác tốt tiềm năng khí hậu, đất đai.
Năm nay, Bình Thuận sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách mới để quy hoạch đồng cỏ trên quy mô lớn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và khuyến khích bà con cùng làm. Chỉ có thể phát triển nông nghiệp theo xu thế dựa vào khoa học công nghệ hiện đại mới có giá trị cao cho nông nghiệp. Tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp và sớm ban hành chính sách phát triển đồng cỏ, chăn nuôi bò và phát triển đàn bò sữa…