Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Bình Thuận có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư cũng như định hướng phát triển, định hướng thu hút đầu tư của Bình Thuận theo hướng xanh, sạch và bền vững. Thủ tướng nhất trí với định hướng Bình Thuận trở thành 3 trung tâm lớn mang tầm quốc gia về du lịch thể thao biển, năng lượng và chế biến sâu khoáng sản titan.
Thủ tướng nhấn mạnh, để thu hút đầu tư tốt hơn Bình Thuận cần có tầm nhìn và nâng cao chất lượng quy hoạch. Quy hoạch vùng, ngành, các sản phẩm thế mạnh phải đảm bảo tính thống nhất, hài hoà không mâu thuẫn, kìm hãm sự phát triển lẫn nhau. Đặc biệt trong quy hoạch cần tăng cường tính liên kết với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh duyên hải miền Trung. Cùng với đó Bình Thuận cần giải pháp, cơ chế phù hợp nhằm huy động nhiều nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn, có uy tín có tiềm lực tài chính đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh.
Thủ tướng lưu ý Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, xây dựng một chính quyền đối thoại, lắng nghe cho nhà đầu tư. Bên cạch đó Bình Thuận cần quan tâm đào tạo nhân lực, kiến tạo không gian khởi nghiệp cho doanh nghiệp địa phương,… phục vụ phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo bộ, ngành chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận ghi nhớ đầu tư vào Bình Thuận |
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết mục tiêu của Hội nghị là mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án trọng điểm để khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Thời gian qua, Bình Thuận đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng chuyển đổi cơ cấu thu hút đầu tư. Bình Thuận tập trung thu hút đầu tư vào 3 lĩnh vực trụ cột bao gồm du lịch bền vững, nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng sạch.
Tại Hội nghị, các nhà đầu tư rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng sạch. Bình Thuận được quy hoạch để trở thành trung tâm năng lượng lớn với tổng công suất trên 12.000 MW. Trong đó, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đang xây dựng công suất lắp đặt 5.668 MW. Trung tâm nhiệt điện khí Sơn Mỹ được quy hoạch với công suất dự kiến 4.000 MW. Nguồn tài nguyên gió dồi dào, Bình Thuận dẫn đầu cả nước trong thu hút các dự án đầu tư điện gió. Dự kiến đến năm 2030 các dự án điện gió có thể đạt công suất tích lũy lên đến 2.500 MW. Với lợi thế tiềm năng bức xạ cao, dự báo đến năm 2030 các dự án điện mặt trời được đầu tư có thể đạt công suất 3.819 MW.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ nông nghiệp Công nghệ cao đánh giá, Bình Thuận có nhiều lợi thế để đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh đã hình thành các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là Thanh Long và tôm giống. Hai sản phẩm này có sản lượng và chất lượng luôn đứng đầu cả nước.
Tuy nhiên, để phát triển bứt phá, khai thác hết tiềm năng nhằm đem lại giá trị kinh tế cao cần Bình Thuận cần tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất, quy hoạch Bình Thuận là tỉnh trọng điểm sản xuất tôm giống của quốc gia để có chính sách mở rộng quy hoạch, đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đất đai. Ưu tiên doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, quy trình sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo tập trung cung cấp giống tôm cho cả nước. Thứ hai, Bình Thuận xác định trái Thanh Long là sản phẩm xuất khẩu chủ lực và có giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thương mại, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Thứ ba, kịp thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để tái cơ cấu nông nghiệp. Cần cụ thế hoá chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực theo hướng đầu tư và ứng dụng công nghệ cao.
Cũng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh Bình Thuận trao quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án và 20 dự án ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng vốn đầu tư khoảng 47.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng sạch. Tiêu biểu như Dự án khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa, vốn đầu tư hơn 3000 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo, vốn đầu tư 1.179 tỷ đồng; Dự án nhà máy điện mặt trời Eco Seido Tuy Phong, vốn đầu tư 1.650 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện mặt trời VSP Bình Thuận II, vốn đầu tư 1.183 tỷ đồng; Dự án nhà máy điện gió Thái Hoà, vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng…
Đến nay, Bình Thuận đã trở thành điểm đến các nhà đầu tư với 1.281 dự án đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư vào Bình Thuận với tổng vốn đầu tư trên 230.000 tỷ đồng, trong đó có 113 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,69 tỷ USD.