Ngân hàng
Thống đốc giải thích lý do chậm trễ tăng vốn cho Agribank
T.L - 22/05/2023 18:09
Thống đốc cũng cho rằng, nếu được đầu tư bổ sung vốn 17.100 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận hàng năm của Agribank sẽ tăng thêm khoảng 6.500 – 7.000 tỷ đồng, nộp ngân sách tăng 1.200 - 1.400 tỷ đồng/năm.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đọc tờ trình của chính phủ về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Đầu tư bổ sung 17.100 tỷ đồng cho Agribank, nguồn ở đâu?

Chiều nay (22/5), Quốc hội đã nghe Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đọc tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Theo Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 của Chính phủ, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Agribank tại thời điểm cuối năm 2021 chỉ đạt 7%, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu của NHNN (8%). Để đạt CAR ở mức 8%, Agribank - đã xác định nhu cầu vốn tự có đến 31/12/2023 phải đạt: 136.300 tỷ đồng (tương ứng với quy mô tổng tài sản Có rủi ro đến 31/12/2023 dự kiến 1.703.283 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%). Ngoài ra, Agribank cũng xác định vốn tự có dự kiến giảm trong giai đoạn 2021-2023 là 11.580 tỷ đồng (chủ yếu do giảm giá trị trái phiếu tính vào vốn tự có cấp 2).

Để đảm bảo nhu cầu vốn tự có theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN đến 31/12/2023 và bù đắp phần vốn tự có giảm trong giai đoạn 2021-2023, Agribank xác định vốn tự có phải bổ sung trong giai đoạn này là: Vốn tự có Agribank tự bổ sung theo quy định của pháp luật (từ trích lập các Quỹ theo chế độ tài chính của TCTD trong năm 2022, 2023; từ lãi trái phiếu đặc biệt của Chính phủ, từ dự phòng chung; từ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2) khoảng 29.700 tỷ đồng.

Số vốn tự có thiếu hụt còn lại, Agribank đề xuất được cấp bổ vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước: 17.100 tỷ đồng, tương ứng số lợi nhuận còn lại dự kiến nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2023.

Vậy 17.100 tỷ đồng này sẽ được cấp cho Agribank từ nguồn nào?

Tờ trình của Chính phủ cho biết, trong 17.100 tỷ đồng này, nguồn từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt - tại Nghị quyết 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 là 6.753 tỷ đồng. Phần còn lại (10.347 tỷ đồng) được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.

Theo tờ trình của Chính phủ, số tiền 17.100 tỷ đồng là tương ứng với phần lợi nhuận còn lại Agribank nộp Ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn 2021-2023.

Thực tế, năm 2021 và năm 2022 Agribank đã nộp NSNN phần lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ với tổng số tiền: 10.457 tỷ đổng. Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Agribank dự kiến đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm 2022. Theo đó, dự kiến lợi nhuận còn lại (sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập các quỹ) nộp NSNN là 8.600 tỷ đồng. Hiện, số lợi nhuận còn lại đã nộp NSNN Quý I/2023: 2.872 tỷ đồng.

Như vậy, lợi nhuận còn lại (sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập các quỹ) Agribank đã nộp NSNN từ năm 2021 đến hết Quý I/2023 là 13.329 tỷ đồng' và dự kiến nộp trong giai đoạn 2021-2023 là 19.057 tỷ đồng", lớn hơn đề xuất cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank nên đề xuất này hoàn toàn khả thi.

Nguyên nhân chậm tăng vốn cho Agribank  

Trong báo cáo Thẩm tra về quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank công bố cách đây vài ngày, Ủy ban Kinh tế quốc hội cho rằng, Quốc hội đã có Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Chính phủ sau đó cũng đã có Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 trong đó có giao NHNN “Chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước trong quý I/2022”. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ mới trình Quốc hội là quá chậm. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này.

Trong tờ trình chiều nay, Thống đốc đã nêu rõ nguyên nhân gây ra sự chậm trễ này. Theo đó, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ này có chậm hơn so với kế hoạch do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, ở giai đoạn đầu, các Bộ phải rà soát tìm kiếm nguồn vốn đầu tư phù hợp do việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank không thuộc đối tượng của Luật Đầu tư công;

Thứ hai, qquá trình xây dựng dự toán NSNN năm 2023, Bộ Tài chính đã bố trí được nguồn trong kế hoạch NSNN để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 6.753 tỷ đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển thuộc NSNN trung ương và đã được Quốc hội đồng ý thông qua nội dung này tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022. Sau khi kế hoạch NSNN năm 2023 được phê duyệt, Bộ Tài chính đã thông báo và hướng dẫn NHNN về nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 (Công văn số 12736/BTC-TCNH).

Tuy vậy, quá trình thực hiện quyết định đầu tư, giải ngân 6.753 tỷ đồng, lại gặp vướng mắc do theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 9 Nghị định  91/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), Phương án đầu tư bố trí vốn điều lệ phải được xây dựng tối thiểu trong thời hạn 03 năm kể từ năm xác định điều chỉnh vốn điều lệ. Theo tính toán của Agribank, số vốn điều lệ cần được NSNN đầu tư bổ sung cho Agribank giai đoạn 2021-2023 là 17.100 tỷ đồng. Mức vốn bổ sung này tương đương với mức vốn của dự án quan trọng quốc gia, do đó phải thực hiện trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trước khi thực hiện quyết định đầu tư và giải ngân theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng gặp khó khăn, chưa có tiền lệ khi việc bô vốn phụ thuộc vào số tiền Agribank ước tính sẽ nộp trong năm 2022, sung 2023 (ở thời điểm xây dựng Phương án, mới chỉ có số liệu thực nộp của năm 2021).

Được tăng vốn, Agribank sẽ tăng nộp ngân sách tới 1.400 tỷ đồng mỗi năm  

Theo đánh giá của Chính phủ, với số vốn điều lệ tăng thêm, Agribank sẽ sử dụng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng hoạt động tín dụng, tăng nộp ngân sách Nhà nước, giữ được mức xếp hạng tín nhiệm…

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của Agribank sẽ tặng thêm bình quân khoảng từ 100.000 – 110.000 tỷ đồng/ năm, tương ứng với tổng tài sản tăng thêm 110.000 tỷ đồng/năm, doanh thu hàng năm và lợi nhuận hàng năm tăng thêm khoảng 6.500 – 7.000 tỷ đồng. Theo đó, Agribank sẽ tăng nộp NSNN tương ứng 1.200 – 1.400 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, khoảng 2.000 – 2.200 tỷ đồng lợi nhuận còn lại; trích lập các quỹ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tăng vốn thêm 17.100 tỷ đồng cũng giúp Agribank đạt hệ số CAR 8% theo quy định của Luật các TCTD, Thông tư 41/2016/TT-NHNN; Gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa. Đồng thời, đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của Agribank trong đầu tư phát triển tam nông, thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ, NHNN trong định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hình thành mặt bằng lãi suất phù hợp, ổn định trên thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế…

Tin liên quan
Tin khác