Ông Trương Việt Dũng cho biết, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu rà soát, tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm các điểm đỗ xe ôtô... |
Chiều 16/12, tại buổi Họp báo Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2022, do UBND TP. Hà Nội tổ chức, trả lời câu hỏi "Vỉa hè lát xong vẫn cho ôtô dừng đỗ, hình thành nhiều bãi gửi xe, điển hình như phố Huỳnh Thúc Kháng, vậy Hà Nội có phương án nào để tăng tuổi thọ đá vỉa hè, đồng thời giúp người đi bộ có không gian an toàn?", Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, việc quản lý sử dụng, bảo trì hè đường sau đầu tư, thực tế còn một số bất cập như: việc tổ chức kiểm tra rà soát, thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, bảo trì hè hư hỏng, xuống cấp chưa kịp thời; việc quản lý, sử dụng mặt hè không đúng công năng sử dụng, mục tiêu đầu tư và thiết kế phê duyệt gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè.
Theo ông Minh, về nội dung này, UBND đã có văn bản số 12540/VP-ĐT ngày 24/11/2022 chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện theo kiến nghị của Sở Xây dựng tại văn bản số 8258/SXD-GĐXD ngày 10/11/2022 "Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vỉa hè sau đầu tư, đảm bảo việc khai thác sử dụng đúng công năng thiết kế; phối hợp với Sở Giao thông vận tải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi dừng, đỗ phương tiện giao thông trên vỉa hè không đúng quy định, nghiêm cấm việc sử dụng mặt hè trái công năng, mục tiêu thiết kế gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè; Tăng cường công tác bảo hành, bảo trì công trình theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ để kịp thời khắc phục các vị trí bị hư hỏng, xuống cấp.
Là địa bàn nóng được báo chí phản ánh, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cho biết, chỉnh trang vỉa hè phố Nguyễn Trãi được triển triển khai từ năm 2017.
Sau khi Thanh tra Thành phố có kết luận, các tồn tại được khắc phục, công trình được tiếp tục thi công và năm 2018 hoàn thành. Năm 2020 công trình được bàn giao cho quận.
Tháng 6/2020, công trình hết hạn bảo hành và quận đã thực hiện bảo trì theo quy định. Dự kiến việc bảo trì trên phố Nguyễn Trãi và Lê Trọng Tấn sẽ xong trước Tết Âm lịch để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…
Thông tin thêm vấn đề chỉnh trang hè phố, Chánh văn phòng, Người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, hôm nay, ngày 16/12/2022, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý vỉa hè.
Cụ thể, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trương Sỹ Thanh đã ký văn bản, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng hè phổ theo đúng công năng, mục tiêu đầu tư và thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu rõ: “Rà soát, tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm các điểm đỗ xe ôtô, tập kết vật liệu xây dựng gây hư hỏng, lún nứt hè phố, báo cáo UBND Thành phố Hà Nội kết quả thực hiện trong tháng 12 năm 2022, trong trường hợp có vi phạm cần chấm dứt ngay”.
UBND Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu phát huy vai trò của UBND xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, vai trò giám sát cộng đồng dân cư trong việc tổ chức thi công, quản lý sử dụng hè phố sau đầu tư, cải tạo, xây dựng mới.
Đồng thời, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các phương tiện xe ô tô tải trọng lớn đi trên hè phố, các hành vi dừng, đỗ xe ô tô trên hè phố không đúng quy định, các công trình xây dựng có hoạt động thi công làm hỏng kết cấu hè phố, các điểm tập kết vật liệu xây dựng trên hè phố không được cấp phép.
Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì phối hợp với các Sở ngành kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ... tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, bao gồm cả việc nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng;
Đồng thời, rà soát, đánh giá hiệu quả của việc lát đá hè phố đối với danh mục các tuyến phố đã được phê duyệt; nghiên cứu, chuẩn hóa giải pháp kỹ thuật, vật liệu xây dựng lát hè phố phù hợp, báo cáo UBND Thành phố Hà Nội trong Quý 1 năm 2023 để xem xét, chỉ đạo.