Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Tại buổi thảo luận, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội khẳng định, việc có một Nghị quyết để đấu giá biển số xe là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn một số điểm cần làm rõ.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất nâng mức tối thiểu đấu giá biển số ô tô. |
Ông Trần Sỹ Thanh đặt vấn đề: “Tôi có một chiếc xe đã có biển số, nhưng trước đây biển số xe là bấm nút. Bây giờ tôi muốn đổi biển mà tôi mong muốn thì như vậy có được không?”.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, đây là câu hỏi sẽ được nhiều người đặt ra và cần được làm rõ để sau này “dễ thực hiện”. Do đó, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung thêm vấn đề này.
Về giá khởi điểm, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số trên cơ sở xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả trường hợp đấu giá. Theo đó, mức giá khởi điểm 40 triệu đồng được áp dụng ở Hà Nội và TP.HCM. Ở các địa phương còn lại, mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng.
Về vấn đề này, Đại biểu Trần Sỹ Thanh góp ý, dự thảo chỉ nên đưa ra mức giá tối thiểu và giao lại HĐND quyết.
“Đấu giá tập trung thì ngân sách địa phương được hưởng chứ không phải ngân sách Trung ương hay Bộ Công an. Vì vậy, tốt nhất nên đưa về cho địa phương, giao HĐND quyết định mức giá và giá khởi điểm, ông Thanh nêu.
Theo Chủ tịch Hà Nội, nếu quy định mức giá khởi điểm đấu giá theo vùng là 20 triệu đồng hoặc 40 triệu sẽ “loạn cào cào”. Vẫn nên giao HĐND quyết, đừng chê tỉnh nghèo. Nhà nước nghèo chứ dân không nghèo, ví dụ Đắk Lắk nghèo chứ dân không nghèo đâu, xe xịn còn nhiều hơn Đà Nẵng.
Đại biểu Trần Sỹ Thanh đề xuất: “Mức giá tối thiểu nên ở mức 100 triệu đồng áp dụng ở Hà Nội, TP.HCM. Còn các địa phương thì ở mức tối thiểu 50 triệu đồng”.
Cũng về giá khởi điểm, Đại biểu Nguyễn Hải Trung, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng, trường hợp chỉ quy định một mức giá chung thì mức 40 triệu đồng là hợp lý. Biển số xe sau khi trúng đấu giá là tài sản của người dân nhưng cần làm rõ Nhà nước sẽ quản lý ra sao, chống đầu cơ như thế nào...
Cũng ở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, khi người dân trúng đấu giá thì biển số đó là tài sản tư. Nếu xác định đó là tài sản công thì sẽ hạn chế một số quyền của người dân, như việc chỉ cho phép quyền chuyển nhượng, thừa kế, tặng, cho trong trường hợp biển đã gắn với xe.
“Còn nếu cho đó là tài sản tư thì phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Khi đó, biển số chưa gắn với xe cũng thuộc quyền sở hữu cá nhân, được cho, tặng, chuyển nhượng, thừa kế không gắn với xe”, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính nói.