Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, thành phố Hà Nội đã sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội. Kết quả, có 12 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ này
Cụ thể, sau sắp xếp, các đơn vị đã giảm 9 đầu mối phòng, ban (11,8%); giảm 9 đơn vị sự nghiệp (34,6%); giảm 9 cán bộ cấp trưởng phòng, ban; giảm 20 cán bộ cấp phó phòng, ban. Số cán bộ dôi dư sau sắp xếp được bảo lưu phụ cấp chức vụ cho đến hết thời gian bổ nhiệm.
Thành ủy Hà Nội cũng đã tiến hành hợp nhất Đảng bộ Khối Doanh nghiệp và Đảng bộ Khối Du lịch, từ 5 Đảng bộ khối giảm 1 đầu mối còn 4 Đảng bộ khối trực thuộc Thành ủy.
Khối các cơ quan trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố đã hoàn thành việc sắp xếp tại 22/22 sở và tương đương, sau sắp xếp giảm 46 phòng, ban so với hiện tại (tương đương giảm 22,5%), giảm thêm 6 phòng so với Thông tư liên tịch, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng; bảo lưu phụ cấp chức vụ đối với trưởng, phó phòng sau sắp xếp kết hợp xem xét luân chuyển, điều động, bổ nhiệm ở những vị trí thích hợp.
Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, sau rà soát, sắp xếp giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị (tương đương 30,2%). Đến nay, qua rà soát, sắp xếp, toàn thành phố đã giảm được 55 phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp; giảm 35 trưởng phòng, ban và 136 phó phòng, ban.
Liên quan đến công tác tinh giản biên chế, ở khối cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, Hà Nội dự kiến đến năm 2017 giảm 69 biên chế so với hiện nay (giảm chi ngân sách khoảng 9,94 tỷ đồng/năm); đến năm 2020 giảm 413 người so với hiện nay (giảm chi ngân sách khoảng 59,5 tỷ đồng/năm).
Tại khối các cơ quan chính quyền, Hà Nội đã giảm 704 hợp đồng có chỉ tiêu đã tồn tại nhiều năm; giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định 108/NĐ-CP cho 115 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 110 người nghỉ hưu trước tuổi, 1 người chuyển sang các cơ sở không sử dụng ngân sách nhà nước và 4 người thôi việc ngay. Tổng kinh phí chi trả thực hiện chế độ tinh giản biên chế là 9,84 tỷ đồng.
Năm 2016, Hà Nội giảm 1,5% biên chế công chức được giao (141 biên chế).
Đánh giá cao báo cáo của Hà Nội trong tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết Hà Nội là một trong những địa phương đã thực hiện công tác này rất quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm chính trị và khí thế rất cao.
Ông Phạm Minh Chính đề nghị Hà Nội cần có sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo trong cấp ủy, nhiều vấn đề cần có quyết sách chính trị; trong đó cấp ủy, đặc biệt là Thường vụ Thành ủy phải chịu trách nhiệm và khi đã quyết phải làm, đồng thời minh bạch thông tin để tránh bị xuyên tạc.
Đặc biệt, để việc tinh giản biên chế có hiệu quả hơn nữa, ông Phạm Minh Chính cho rằng Hà Nội nên tập trung vào những lĩnh vực chi tiêu nhiều ngân sách (như y tế, giáo dục, nông nghiệp), các đơn vị sự nghiệp, hội, đoàn; tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước (nếu làm được, các sở, ngành chỉ còn khoảng 50-60% biên chế); sắp xếp lại các ban quản lý dự án, văn phòng của các ban đảng; tinh giản bộ máy biên chế cấp xã, quy định lại chức năng, nhiệm vụ cấp xã theo hướng gọn, nhẹ; nghiên cứu sáp nhập các phòng, ban...
Tiếp thu ý kiến của Đoàn kiểm tra, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết Hà Nội sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hơn để khắc phục những tồn tại, đồng thời đẩy mạnh thực hiện những nội dung đã nêu trong báo cáo của Hà Nội. Trước hết, cấp ủy, lãnh đạo các cấp của thành phố phải thống nhất, thông suốt quan điểm; đồng thời làm tốt hơn công tác đối thoại, công khai, minh bạch, tuyên truyền để cán bộ, công chức nhận thức rõ chương trình này là thực sự cần thiết, đóng góp cho sự nghiệp chung.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định thời gian tới, Hà Nội sẽ giảm biên chế hơn nữa; lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục trực tiếp đối thoại với cán bộ chủ chốt các sở, phòng, ban, tạo sự đồng thuận, thông suốt.
Thành phố Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2020-2021 giảm tối thiểu 10% so với biên chế được giao năm 2015 và sẽ hoàn thành nhiệm vụ tinh giản biên chế trước 1 năm so với yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI).