Thời sự
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung "đặt hàng" chuyên gia Đức giúp khắc phục ô nhiễm môi trường
Trần Thụ - Anh Quý - 27/06/2016 16:42
Sáng 26/6, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực quan trắc môi trường TP Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới về xử lý môi trường đến từ CHLB Đức. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội thảo.

Môi trường đang thách thức cuộc sống

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, những năm qua, TP đã có những đầu tư nhất định trong công tác kiểm soát môi trường. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt so với kế hoạch, chất lượng môi trường được cải thiện.

Song, TP đang phải đối mặt với những thách thức khác về môi trường, như chỉ tiêu Benzen trong không khí tăng do phương tiện cá nhân tăng cao dẫn đến gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng); tình trạng ô nhiễm nước mặt với các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét…; các bãi chôn lấp rác thải rắn tập trung sắp lấp đầy, dự báo đến năm 2020, tổng lượng chất thải của TP là 14.150 tấn/ngày đêm, đến năm 2050 là 25.380 tấn/ngày đêm; tình trạng ô nhiễm nông nghiệp do sử dụng không hợp lý phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật; suy giảm đa dạng sinh học…, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch...

Để kiểm soát môi trường, hiện TP có 2 cụm quan trắc nước mặt trên lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy, do Tổng cục Môi trường mới đầu tư và vận hành, đang chuẩn bị bàn giao cho sở TN&MT; 6 trạm quan trắc không khí cố định (4 trạm do T.Ư quản lý, 2 trạm do Tổng cục Môi trường quản lý) nhưng, thực tế, chỉ có 2 trạm do T.Ư quản lý còn hoạt động (tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên và tại số 8 Pháo Đài Láng, quận Đống Đa)…

Gần đây, Hà Nội đã đầu tư xe quan trắc không khí lưu động và trạm quan trắc nước thải tự động tại các Khu xử lý chất thải rắn tập trung của TP (khu Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và khu Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây); đang tiến hành thủ tục tiếp nhận 20 trạm quan trắc không khí tự động cố định do Chính phủ Pháp tài trợ. Dự kiến, từ năm 2017 đến 2020, TP sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các trạm quan trắc khí nước thải tự động tại các khu, cụm công nghiệp...

“Tới đây, TP sẽ tăng cường thêm các thiết bị đo nhanh cầm tay ngoài hiện trường cũng như đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm, thiết bị quan trắc; xây dựng trung tâm truyền nhận, xử lý dữ liệu từ các trạm quan trắc tự động về đầu mối quản lý”, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết. Ngoài ra, sẽ tăng cường thanh kiểm tra, áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm đối với các cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải lớn hơn 1.000 mét khối/ngày đêm nhưng không lắp đặt quan trắc tự động truyền số liệu báo cáo về sở.

Sở TN&MT cũng kiến nghị Bộ TN&MT sớm ban hành hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính và chế tài xử lý đối với hành vi xả thải vượt quy chuẩn cho phép khi sử dụng kết quả quan trắc môi trường tự động với khí thải, nước thải... Đặc biệt, Bộ TN&MT cần quy định các thông số quan trắc yêu cầu bắt buộc phải có đối với từng loại hình cần quan trắc, từng ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nguyễn Đức Chung cùng nhóm chuyên gia CHLB Đức bàn về xử lý môi trường

Giải pháp khắc phục

Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu thế giới về xử lý môi trường đến từ CHLB Đức gồm: TS Friedhelm Schroeder (người tham gia khảo sát đánh giá môi trường vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, theo lời mời của CP Việt Nam) và các kỹ sư quan trắc, xử lý môi trường nước và không khí: Gunther Hahn và Olaf Juttner, đã giới thiệu các mô hình, thiết bị quan trắc lắp đặt trên thế giới và ở Việt Nam (tỉnh Đồng Nai). Trưởng nhóm - TS Friedhelm Schroeder đánh giá cao, chính quyền TP Hà Nội đã nỗ lực chủ động, quan tâm khắc phục môi trường, là hướng đi đúng rất quan trọng để phát triển TP bền vững.

Các chuyên gia cũng đưa ra, các giải pháp cụ thể khắc phục mang tính căn cơ trước mắt và lâu dài về kiểm soát các chỉ số môi trường không khí, môi trường nước, chất thải rắn khu vực nội, ngoại thành…. TS Friedhelm Schroeder nhất trí cao với đề xuất của Chủ tịch UBND TP là, cần xây dựng hệ thống quan trắc, quản lý dữ liệu thống nhất và ứng dụng CNTT vận hành và nối từ Trung tâm TP đến T.Ư (Bộ TN&MT), tới cơ sở (thậm chí đến người dân, qua mạng điện thoại, internet) để quản lý, kiểm soát môi trường (nước, không khí…), qua đó huy động cả cộng đồng xã hội cùng tham gia kiểm soát môi trường, phát hiện vi phạm môi trường, kiến nghị xử lý và có trách nhiệm ứng xử thân thiện và có trách nhiệm với môi trường.

Xử lý môi trường theo công nghệ G7

Trân trọng cảm ơn tinh thần làm việc và các ý kiến xác đáng của các chuyên gia CHLB Đức, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, trong chiến lược phát triển những năm tới, TP Hà Nội ưu tiên hàng đầu, sẽ đưa ra các giải pháp đồng bộ và quyết tâm cải thiện căn bản môi trường (môi trường nước, không khí, bụi…) cũng như các giải pháp quản lý chặt chẽ việc ứng xử với môi trường trên địa bàn trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND TP đề nghị, nhóm chuyên gia môi trường của CHLB Đức, triển khai các nội dung sau: TP Hà Nội  “đặt hàng” các chuyên gia về việc xây dựng hệ thống quan trắc trắc tự động không khí và nước; đào tạo nguồn nhân lực; Xây dựng triển khai hệ thống và có trung tâm xây dựng, phân tích đưa ra giải pháp cho TP, trong đó, mong muốn các chuyên gia nghiên cứu, xây dựng hệ thống quan trắc di động có thể lắp đặt trên các ô tô kết nối với trung tâm xử lý dữ liệu.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, TP sẽ xây dựng quy trình quy định chặt chẽ, yêu cầu các khu công nghiệp các công trình xây dựng phải có đánh giá tác động môi trường trước khi hoạt động; phải bỏ kinh phí quan trắc; tuân theo các giải pháp đảm bảo môi trường TP đề ra. Đề nghị, nhóm chuyên gia Đức, thống kê thiết bị tiên tiến nhất của các nước phát triển G7 phục vụ cho hệ thống, lắp đặt các trạm nhỏ gọn phù hợp với đặc điểm của TP như: Nhiều xe máy ô tô quá hạn xử dụng; quan trắc khí thải các nhà máy trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận, “Như ở Hồ Tây, sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Nhuệ... TP rất cần những trạm quan trắc tự động cố định, vì đây là những nơi tác động lớn đến cuộc sống rất nhiều người dân”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Chủ tịch UBND TP khẳng định, TP Hà Nội sẽ xem xét cơ chế để huy động xã hội hóa đầu tư. “Đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách TP Hà Nội sẽ làm trong năm nay, để hàng ngày các hệ thống này đưa ra các giải pháp đồng bộ để TP cảnh báo người dân, và đưa ra giải pháp cụ thể thiết thực để làm sao đảm bảo môi trường Thủ đô thực sự trong sạch, bền vững”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Nhất trí cao với đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TS Friedhelm Schroeder thay mặt nhóm cam kết sẽ dành 1 tháng khảo sát môi trường trên địa bàn TP và tổng hợp các nội dung yêu cầu báo cáo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.

Tin liên quan
Tin khác