Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 1 mục từ Điều 19 đến Điều 27 để quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả của các hành vi: hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép theo quy định của pháp luật; vi phạm quy định của giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; vi phạm về hàm lượng thông số ô nhiễm quy định trong giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn nước; vi phạm các quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; vi phạm các quy định về ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy; vi phạm các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước; vi phạm quy định về phòng, chống xâm nhập mặn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường này cho biết, so với Nghị định số 142/2013/NĐ-CP, mục này bổ sung 1 điều, sửa đổi nội dung của 7 điều. cụ thể, bổ sung một điều quy định về hành vi vi phạm về hàm lượng thông số ô nhiễm quy định trong giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Trong đó, hành vi xả nước thải có hàm lượng thông số ô nhiễm vượt giới hạn quy định trong giấy phép dưới 2 lần bị xử phạt từ 1 – 30 triệu đồng tùy lưu lượng xả thải; hành vi xả nước thải có hàm lượng thông số ô nhiễm vượt giới hạn quy định trong giấy phép từ 2 lần đến dưới 5 lần bị xử phạt từ 3 – 35 triệu đồng tùy lưu lượng xả thải; hành vi xả nước thải có hàm lượng thông số ô nhiễm vượt giới hạn quy định trong giấy phép từ 5 lần đến dưới 10 lần bị xử phạt từ 5 – 45 triệu đồng tùy lưu lượng xả thải; hành vi xả nước thải có hàm lượng thông số ô nhiễm vượt giới hạn quy định trong giấy phép từ 10 lần trở lên bị xử phạt từ 10 – 50 triệu đồng tùy lưu lượng xả thải.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi nội dung của 7 điều quy định về: hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép theo quy định của pháp luật; vi phạm quy định của giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn nước; vi phạm các quy định về ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy; vi phạm các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước; vi phạm quy định về phòng, chống xâm nhập mặn cho phù hợp với thực tế và các quy định mới được ban hành trong thời gian qua như Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật tài nguyên nước, Nghị định quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước...
Trong đó, Bộ đề xuất phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không xây dựng phương án ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; không trang bị đủ các phương tiện, thiết bị cần thiết để ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do hành vi vi phạm gây ra; không kịp thời ứng phó khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố gây ô nhiễm nguồn nước.