Đầu tư
Chủ tịch Hải Dương: Thu hút đầu tư chuyển từ “lượng” sang “chất”
Thu Lê - 31/10/2016 07:48
Không quá chú trọng số lượng, coi trọng chất lượng các dự án, đặc biệt là các dự án có hàm lượng công nghệ cao và có yếu tố chuyển giao công nghệ là điều mà Hải Dương đang đẩy mạnh trong công tác xúc tiến đầu tư. Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định điều này khi trao đổi về định hướng thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2016-2020.
TIN LIÊN QUAN

Dường như việc thu hút các dự án đầu tư mới tại Hải Dương có xu hướng chững lại trong thời gian gần đây, thưa ông? 

Đúng vậy, nhưng đây là sự chững lại theo chiều hướng tích cực. Nếu so sánh giai đoạn năm 2011 - 2015 với giai đoạn trước đó (năm 2006 - 2010), thì số lượng các dự án đầu tư mới vào Hải Dương có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, giai đoạn này lại có nhiều dự án điều chỉnh tăng vốn. Tổng lượng vốn điều chỉnh tăng còn cao hơn nhiều so với tổng vốn đăng ký đầu tư mới.

Đặc biệt, từ năm 2011 đến 2013, Hải Dương chỉ thu hút được 68 dự án mới, nhưng số vốn đăng ký tăng mạnh, gấp gần 1,7 lần (đạt gần 3,332 tỷ USD). Trong khi đó, giai đoạn 2006 - 2010 là thời điểm Hải Dương thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất, với 155 dự án, nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký chỉ đạt 1,979 tỷ USD.

Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương

Còn trong 9 tháng đầu năm 2016, Hải Dương mới thu hút được 202,2 triệu USD vốn FDI, chỉ bằng 65,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, số dự án cấp mới là 15, với tổng vốn đầu tư là 76 triệu USD; số dự án điều chỉnh tăng vốn lên đến 31 dự án, với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 126,2 triệu USD. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 321 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,929 tỷ USD.

Số lượng các dự án đầu tư trong nước, sau một thời gian có xu hướng giảm, cũng đang có dấu hiệu tăng trở lại. Trong 9 tháng đầu năm 2016, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 43 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 17 dự án, với tổng vốn 3.005 tỷ đồng. Trong đó, thu hút vốn đầu tư các dự án mới là 2.133 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ.

Với tình hình trên, có thể hiểu, công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI, đang được tỉnh Hải Dương chú trọng hơn về chất?

Chuyển biến trên là kết quả tất yếu của những tác động từ các yếu tố khách quan, cùng với sự điều chỉnh trong định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Hải Dương trong tình hình mới, khi mà các lợi thế vốn có trước đây (quỹ đất rộng, lao động dồi dào, hạ tầng giao thông) đang giảm dần sức hấp dẫn. Giai đoạn 2011 - 2013 là giai đoạn của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, nên số lượng các dự án đầu tư mới vào Hải Dương giảm mạnh. Một số dự án đã đăng ký đầu tư không thể triển khai hoặc triển khai rất chậm do khó khăn về tài chính, như Dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Lương Điền - Cẩm Điền, nay là VSIP Hải Dương.

Song đó chỉ là với những dự án mới. Còn các dự án đầu tư đã triển khai liên tục mở rộng về quy mô vốn. Trong đó, phải nhắc đến một số dự án đang đóng góp lớn cho kinh tế của Hải Dương như: Công ty TNHH Dệt Pacific (Hồng Kông) - tăng 303,4 triệu USD; Dự án Tinh Lợi 2 (Công ty TNHH Tinh Lợi - Hồng Kông) là 60 triệu USD; Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso tăng thêm 31 triệu USD; Công ty Máy Brother tăng thêm 35 triệu USD... Điều này khẳng định, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Hải Dương rất ổn định và đạt được nhiều kết quả kinh doanh tốt. Đặc biệt, môi trường đầu tư tại Hải Dương là thuận lợi và an toàn, nên nhà đầu tư yên tâm tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất.

Hơn nữa, việc giảm về số lượng dự án, nhất là các dự án FDI là cần thiết đối với sự phát triển kinh tế của Hải Dương cũng như nhiều địa phương khác. Bởi nếu chỉ chú trọng vào việc thu hút thật nhiều dự án mới, mà không kiểm soát, đánh giá và chọn lọc dự án có chất lượng, có công nghệ cao, ít ảnh hưởng tới môi trường, thì những cái được sẽ khó bù đắp được những cái mà chúng ta mất.

Định hướng không chạy theo số lượng, coi trọng chất lượng các dự án, đặc biệt là các dự án có hàm lượng công nghệ cao và có yếu tố chuyển giao công nghệ đang được Hải Dương đẩy mạnh trong công tác xúc tiến đầu tư, thưa ông?

Đúng vậy. Điều này đã được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đó, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải thay đổi mạnh về lĩnh vực thu hút đầu tư.

Ở giai đoạn đầu, do cơ chế, chính sách thu hút đầu tư được mở rộng và việc cấp phép khá dễ dàng, nên tại Hải Dương, số lượng dự án có vốn đầu tư thấp, trình độ công nghệ trung bình chiếm khá nhiều. Một số doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào các ngành công nghiệp gia công, lắp ráp với công nghệ không cao và sử dụng trang thiết bị máy móc tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.

Thêm vào đó, trên địa bàn tỉnh đang tập trung khá nhiều dự án (trên 60 dự án) về dệt may và da giày, cùng hàng loạt dự án nhỏ lẻ khác. Điều này khiến cho Hải Dương đang trở thành vùng công nghiệp dệt may, da giày tập trung với trình độ công nghệ trung bình và chiếm nhiều lao động. Trong khi đó, lợi thế về lao động đông và giá nhân công thấp đang mất dần.

Vậy nên, hiện tại và cả trong tương lai, các dự án được cấp mới phải chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ trước khi cấp phép. Tỉnh sẽ ưu tiên các dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động và không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, đối với các dự án có vốn đầu tư lớn, kèm cơ chế chuyển giao công nghệ cho địa phương, thì Hải Dương sẽ chủ động xin cơ chế ưu đãi đặc biệt của Chính phủ dành cho dự án, giống như Thái Nguyên đã áp dụng với dự án của Samsung.

Ông có thể cho biết giải pháp cơ bản được Hải Dương đưa ra để thực hiện thành công định hướng thu hút đầu tư trên?

Trước tiên, cần phải tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, đặc biệt là có sự chuyển giao về công nghệ.

Tạo lập những ưu thế mới trong thu hút đầu tư thông qua việc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp. Tỉnh đã có kế hoạch phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 sẽ có thêm 3 - 5 khu công nghiệp và 3 - 4 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động. Các khu công nghiệp mới này sẽ do các nhà đầu tư có uy tín và có tiềm lực tài chính thực hiện. Điều này sẽ đảm bảo cho việc các khu công nghiệp sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi các nhà đầu tư là đối tác của các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

Và không thể thiếu là công tác xúc tiến đầu tư. Đây là cầu nối hữu hiệu và quan trọng để những ưu thế của Hải Dương lan tỏa được đến đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thay vì chờ nhà đầu tư tới tìm hiểu, thì Hải Dương cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh thông qua những chương trình xúc tiến đầu tư. Các chương trình này sẽ có sự tham gia của đại diện những nhà đầu tư đã thành công tại Hải Dương chia sẻ về môi trường đầu tư nơi đây và lý do họ chọn Hải Dương làm điểm đến và tiếp tục mở rộng hoạt động.

Song song, tỉnh sẽ vẫn tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Mục tiêu là đến trước năm 2020, Hải Dương đứng vào tốp 20 tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhất và nhóm 25 tỉnh, thành phố có chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tốt nhất.

Tin liên quan
Tin khác