Hồ Chí Minh - hiện thân của tư tưởng Đổi mới
Trong cuốn “Hồ Chí Minh sáng tạo, đổi mới” (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2015), PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) - một trong những nhà nghiên cứu có bề dày về Chủ tịch Hồ Chí Minh với trên 30 đầu sách cá nhân, chủ biên và đồng chủ biên về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dành hẳn một chương khá công phu và tâm huyết để viết về tư tưởng đổi mới của Người.
Trong đó, tác giả khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là “người khởi xướng sự nghiệp đổi mới”, tìm về tư tưởng Hồ Chí Minh chính là tìm về cội nguồn của đổi mới hôm nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960), thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Giai đoạn này, Người đã nêu nhiều tư tưởng đổi mới trong xây dựng, phát triển đất nước. |
Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân của tinh thần đổi mới. Tư duy đổi mới của Người xuất hiện từ rất sớm, ngay trong quá trình đi tìm đường cứu nước. Nói cách khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là một nhà khoa học mang tư duy đổi mới trước khi trở thành một nhà cách mạng.
Khẳng định điều này là bởi, lịch sử Việt Nam đã chứng kiến nhiều trào lưu đổi mới gắn với những bối cảnh khác nhau.
Từ đầu thế kỷ XX, dưới ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, nền độc lập của dân tộc bị xâm phạm, nhân dân ta chịu cảnh “một cổ hai tròng”, lầm than, cực khổ, bị áp bức, bóc lột tàn bạo, các văn thân sĩ phu yêu nước đã tìm tòi những hướng đi, tập hợp lực lượng, lãnh đạo các phong trào yêu nước, như phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Yên Thế, phong trào Duy Tân, Đông Du, Đông kinh nghĩa thục…, gắn với những tên tuổi như Tôn Thất Thuyết, Đề Thám, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Lương Văn Can…
Nhưng tất cả các phong trào đó đều thất bại, vì không giải quyết được hai mâu thuẫn cơ bản nhất trong xã hội Việt Nam khi ấy. Đó là mâu thuẫn giữa một bên là toàn thể dân tộc Việt Nam với bên kia là thực dân Pháp xâm lược và mâu thuẫn giữa nhân dân lao động, chủ yếu là nông dân với giai cấp phong kiến địa chủ.
Dù sớm tiếp cận và rất kính trọng các bậc cha anh, nhưng chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã không lựa chọn đi theo con đường của họ. Theo Nguyễn Tất Thành, con đường của Hoàng Hoa Thám mang tư tưởng phong kiến lỗi thời, không thể dẫn tới thắng lợi. Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu tìm tới sự giúp đỡ của Nhật để đuổi thực dân Pháp xâm lược, khi đó, chẳng khác gì “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Trong khi đó, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh tuy vận động cải cách, chủ trương bất bạo động nhưng được xem như chỉ là “xin giặc rủ lòng thương”.
Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành muốn đi tìm một con đường cứu nước mới, do đó, phải tìm hiểu để nắm được bản chất của kẻ thù đang đô hộ đất nước. Đó chính là một sự lựa chọn mang tính bước ngoặt, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mở đầu cho hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Người không đi Trung Quốc, đi Nhật, mà ý tưởng của Người là sang châu Âu, trước hết là nước Pháp. Sau này, năm 1923, tại Mát-xcơ-va, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ”, Người đã giải thích quyết định về sự lựa chọn của mình, rằng: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ tiếng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái - đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng được coi là người Pháp - thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”.
Như vậy, có thể nói, ngay từ khi suy nghĩ để ra đi tìm đường cứu nước, trong con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có tư tưởng đổi mới, hơn nữa, đây lại là đổi mới trong lựa chọn con đường cứu nước, lựa chọn lối đi cho cách mạng của dân tộc. Đó là sự đổi mới từ cội nguồn, đổi mới từ gốc để từ đó làm nên những thành công chói lọi cho cách mạng Việt Nam.
Sau này, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn khẳng định, phải vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể, tình hình thực tế của cách mạng Việt Nam. Đó không chỉ là phương pháp luận, mà còn là ý thức sâu xa của vị lãnh tụ luôn mang trong mình tư tưởng đổi mới, sáng tạo.
Người kiến thiết nền tảng cho công cuộc đổi mới
Sau khi đất nước thống nhất, non sông quy về một mối, đất nước ta đã có một giai đoạn đầy khó khăn, vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải nỗ lực chống chọi với bối cảnh khắc nghiệt của chính trị thế giới, khi các nước trong khối xã hội chủ nghĩa lần lượt lâm vào khủng hoảng và tan rã.
Trong tình thế gian nguy đó, nắm bắt thực tiễn đất nước, những năm 1980-1990, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc Đổi mới, với dấu mốc là Đại hội Đảng năm 1986. Đây được coi là dấu mốc khởi đầu đổi mới, với quan điểm phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế. Đại hội VI đã nêu 4 bài học, trong đó, bài học thứ hai, Đảng ta nhấn mạnh, phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Đặc biệt, để khắc phục được khuyết điểm, chuyển biến được tình hình, Đảng ta trước hết phải thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy.
Điều đặc biệt là, Đại hội VI khẳng định: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Như vậy, sự nghiệp Đổi mới của Đảng từ tháng 12/1986 được bắt nguồn từ tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguồn gốc tư tưởng Đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như đã nói, khởi nguồn từ khi Người lựa chọn con đường cách mạng để giải phóng dân tộc. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, tư tưởng đổi mới đó của Người vẫn như dòng chảy từ suối nguồn, luôn thường trực, tuôn chảy không ngừng, được Người nhắc nhở, nhấn mạnh và tiên phong vận dụng.
Cuốn “Đường kách mệnh” Người viết khi còn đang hoạt động cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1927, Người đã nêu: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Thời gian hoạt động ở Pháp, khi gửi tới Liên hợp quốc bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã đề xuất “cải cách nền pháp lý ở Đông Dương”…
Sau này, trong các bài viết, nói, Người nhiều lần nhấn mạnh đến đổi mới với tư duy cởi mở, khuyến khích mọi người thực hiện đổi mới. Người từng nói “Chẳng có việc gì là không thể đổi mới”; “Đừng sợ cái mới quá. Cái gì mới thì lần đầu cũng lạ, nhưng sau rồi quen”; Người một mặt khuyến khích thực hiện đổi mới, đồng thời phê phán một số người “còn có tư tưởng bảo thủ, không chịu tiếp thu dễ dàng cái hay, cái mới”.
Trong Di chúc, Bác Hồ nhiều lần nhắc đến việc tái thiết đất nước sau chiến tranh ở những góc độ khác nhau. Đó là tư duy của nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa và tin tưởng vào chiến thắng của dân tộc, bởi khi Người viết Di chúc, đất nước ta vẫn đang trong thời kỳ ác liệt của cuộc chiến tranh giành lại độc lập dân tộc.
Người viết trong Di chúc (phần viết tháng 5/1968), coi việc “hàn gắn vết thương chiến tranh” là công việc “cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn”; rằng xây dựng lại đất nước sau chiến tranh “là cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.
Không chỉ thể hiện tư duy đổi mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhận thức sâu sắc cội rễ sức mạnh để hiện thực hóa đổi mới, đó là nhân dân. Trong bài “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó ký bút danh X.Y.Z) đã khẳng định: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của nhân dân; Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân…”. Người luôn coi nhân dân là gốc rễ của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đổi mới. Trong Di chúc (bản viết năm 1968 đã dẫn), Người một lần nữa nhắc đến vai trò của nhân dân khi đổi mới, tái thiết đất nước. Người viết: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục nhân dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12).
Tư tưởng đổi mới cũng như khẳng định chân lý phải dựa vào nhân dân – cái gốc của mọi thành công trong sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng ta kế thừa, phát triển trong cuộc cuộc Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bài học nêu trong Cương lĩnh 1991 của Đảng và Hội nghị toàn quốc lần thứ XI (bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991) đều là những nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu và nhấn mạnh từ những năm 1950, 1960, như kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; cách mạng phải lấy dân làm gốc, là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoạt động cách mạng phải bám sát thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan…
Tại các kỳ Đại hội từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Đảng ta đều rút ra các bài học về Đổi mới, trong đó tiếp tục khẳng định đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân.
Vì thế, hoàn toàn có thể nói rằng, đó là những luận điểm trở lại với tinh thần đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Người đã đúc kết từ thực tiễn của đất nước, tinh thần của thời đại, trở thành di sản vô giá cho dân tộc Việt Nam trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.