Thời sự
Chủ tịch Nguyễn Đình Khang: "Kinh phí công đoàn chi trực tiếp cho người lao động 84%"
Nguyễn Lê - 08/06/2024 14:11
Sửa đổi Luật Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn đề nghị duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%.
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại tổ.

Hiện nay, kinh phí công đoàn để lại công đoàn cơ sở 75% để các công đoàn cơ sở trực tiếp chăm lo cho đoàn viên và người lao động, còn lại 25% phân phối cho cấp trên công đoàn là cấp cơ sở, cấp tỉnh và trung ương.

Cấp trực tiếp trên cơ sở thì cũng thực chất là quay trở lại chăm lo cho đoàn viên và người lao động bởi một số công đoàn cơ sở không đủ chi phí 75%, thì cấp trên trực tiếp sẽ điều tiết và bổ sung lại. Như vậy, số chi trực tiếp cho người lao động là gần 84%.

Nội dung trên được Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nêu khi Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Công đoàn sửa đổi, sáng 8/6.

Lần sửa đổi này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (cơ quan chủ trì soạn thảo luật) vẫn đề nghị duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%.

Theo đó, Điều 29 Dự thảo Luật quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Liên quan đến quy định tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa các cấp công đoàn cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án.

Phương án 1: Giao Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Phương án 2: Xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%.

Thảo luận tại tổ, một số vị đại biểu cho rằng, quy định về kinh phí công đoàn là vấn đề được xã hội quan tâm nên cần cung cấp thông tin đầy đủ về việc sử dụng thời gian qua thế nào.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) tán thành Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) bổ sung quy định về công khai tài chính công đoàn.

Tuy nhiên, bà Mai cho rằng, quy định như Dự thảo chưa đảm bảo được tính công khai, minh bạch và khả năng tiếp cận của công đoàn viên với tài chính công đoàn.

Vị đại biểu Hưng Yên đề nghị nên quy định các cấp công đoàn phải thực hiện công khai tài chính hằng năm tại hội nghị ban chấp hành công đoàn và đưa lên trang thông tin điện tử để đảm bảo công khai, minh bạch thông tin tài chính công đoàn đến các công đoàn viên và các phương tiện thông tin đại chúng.

Chủ tịch Nguyễn Đình Khang cho biết, về kinh phí công đoàn, cơ quan soạn thảo đã có báo cáo đánh giá tác động rất cụ thể gửi các đại biểu

Ông Khang cho hay, hiện nay, kinh phí công đoàn chi trực tiếp cho người lao động là gần 84%. Còn lại, chi tiêu cho ba cấp ở trên gồm cấp trên trực tiếp công đoàn cơ sở, cấp tỉnh và cấp Trung ương.

“Do vậy, cơ bản kinh phí công đoàn là để chăm lo trực tiếp cho người lao động”, ông Khang nhấn mạnh.

Vẫn theo Chủ tịch Khang, theo mức lương bình quân toàn quốc hiện nay, công nhân được 8,2 triệu đồng/tháng, một năm được khoảng 100 triệu đồng, kinh phí công đoàn khoảng 2 triệu đồng, thì để lại trực tiếp cho công đoàn phía dưới là 75% tức 1,5 triệu đồng.

Khoản này gồm có thăm hỏi, ốm đau; quà tết âm lịch; sinh nhật, tổ chức hoạt động phong trào văn hóa tại công đoàn cơ sở. “Như vậy, tính trung bình mỗi công nhân chỉ 1,5 triệu đồng chứ không nhiều nhặn gì”.

Vẫn theo Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan này cũng có "một chút tích lũy" từ năm 1957 đến nay. Do đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất cho phép được tham gia xây nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê.

Luật Nhà ở đã quy định việc này và tới đây Chính phủ sẽ có nghị định hướng dẫn trình tự, đối tượng đối với nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia thực hiện.

Với việc phân phối kinh phí công đoàn, theo ông Khang, tỷ lệ phân phối 75% - 25% là mức lâu nay đang thực hiện ổn định và cũng đã tham khảo kinh nghiệm một số nước.

"Kinh nghiệm của một số nước chúng tôi cũng đi tìm hiểu thì nó cũng khoảng cỡ từ 73 - 75%", ông Khang nói thêm.

Theo kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tại các công đoàn cơ sở, tình trạng thiếu kinh phí hoạt động diễn ra phổ biến, thậm chí một số công đoàn cơ sở mất cân đối thu - chi. Trong khi đó, các công đoàn cấp trên cơ sở, liên đoàn lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lại sử dụng kinh phí tích lũy chỉ để gửi ngân hàng có kỳ hạn nhằm tăng thu khác, đầu tư, cho vay.

Tin liên quan
Tin khác