Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Ký và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nhận kỷ niệm chương tại lễ công bố (Ảnh Mỹ An). |
Con người đất mỏ kỷ luật và đồng tâm, khát vọng mãnh liệt và quyết liệt theo đuổi những gì mình mong muốn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Tường Văn chia sẻ sau khi nhận kỷ niệm chương cho cho tỉnh xuất sắc nhất trong lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2020, vừa diễn ra sáng 15/4.
Ông Văn bộc bạch rằng ông không sinh ra và cũng không lớn lên ở Quảng Ninh, mới được luân chuyển về Quảng Ninh (từ Bộ Xây dựng - PV) có 5 tháng, song ông đã cảm nhận được con người vùng đất này rất đặc biệt.
"Sự đặc biệt này có lẽ xuất phát từ thiên nhiên, từ văn hoá truyền thống của đất mỏ, và từ khát khao vươn lên, khát khao phát triển, tạo ra con người Quảng Ninn đồng lòng, đoàn kết, quyết liệt theo đuổi đạt được những gì mình mong muốn" - ông Văn lý giải.
Nhấn mạnh rằng, năm 2020 ông chỉ ở Quảng Ninh có hai tháng cuối năm, vì vậy, nếu nói về sự lan toả của vùng đất này năm 2020 thì ông Văn cho rằng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh (ông Nguyễn Xuân Kỳ - PV) - người cũng có mặt tại lễ công bố - nên là người được mời phát biểu.
"Tôi rất mong muốn nếu sang năm Quảng Ninh tiếp tục là quán quân trong bảng xếp hạng PCI thì mong Ban tổ chức mời Bí thư phát biểu để Quảng Ninh lan toả hơn" - ông Văn nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Quảng Ninh cũng chia sẻ "bí quyết" để Quảng Ninh đạt được kết quả đặc biệt, không chỉ là dẫn đầu bảng xếp hạng PCI, mà còn là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua điểm mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.
Để đạt được kết quả đó, ông Văn cho biết thời gian qua Quảng Ninh đã tập trung vào ba nội dung.
Thứ nhất, chủ động sắp xếp bộ máy tinh gọn hiệu quả, phát huy mô hình mới, tạo đột phá, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có đủ chuyên môn với truyền thống kỷ luật và đồng tâm của đất mỏ luôn vượt khó đi lên.
Thứ hai, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tập trung giảm thời gian làm thủ tục từ đó giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Từ tiếp cận thông tin đất đai, quy hoach, giải phóng mặt bằng..., nhiều thủ tục giảm thời gian từ 40 đến 60%, không ít dự án được cấp phép trong vòng 24 giờ.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, thành phố thông minh. Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh đầu tiên có trung tâm điều hành thành phố thông minh được kết nối và chia sẻ với trung tâm điều hành của Chính phủ.
Năm 2020, Quảng Ninh đã đạt được kết quả toàn diện và nổi bật, GRGP tăng 10,05%, quy mô kinh tế gần 10 tỷ USD, thu ngân sách đạt 49.500 tỷ đồng, tăng 10% dự toán, thuộc diện các tỉnh đứng đầu, Chủ tịch Văn nhấn mạnh.
Kết quả xếp hạng PCI là hết sức quan trọng, động viên chính quyền tỉnh tiếp tục đột phá để phát triển - ông Văn nói.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thì kết quả nói trên tới từ những nỗ lực đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2020, khi chính quyền tỉnh này đã đặt trọng tâm vào công tác hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức do dịch Covid-19.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và huyện thị phải có các giải pháp phản ứng nhanh, linh hoạt để nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch, bao gồm xác định rõ các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp như thúc đẩy và cùng các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, tiếp cận thị trường xuất khẩu mới, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Chính quyền Quảng Ninh, với sự phối hợp tích cực của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp từ quy mô từ cấp huyện, thị, sở, ngành cho tới cấp tỉnh để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng kinh doanh, ví dụ như một số Nghị quyết hỗ trợ khôi phục hoạt động của ngành dịch vụ, du lịch.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn kiên trì với các nỗ lực cải cách hành chính nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ kiến nghị của doanh nghiệp, tỉnh cũng đã kịp thời giải quyết các vướng mắc nảy sinh do dịch Covid-19 về thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp.
Trong Điều tra PCI 2020, cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã ghi nhận những nỗ lực của chính quyền tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, 89% doanh nghiệp đánh giá chính quyền tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. 79% doanh nghiệp cho biết chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh. 97% doanh nghiệp nhận được phản hồi từ cơ quan chính quyền tỉnh sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc và 81% doanh nghiệp hài lòng với cách giải quyết của cơ quan chính quyền tỉnh.
Yêu cầu “3 giảm” trong cải cách thủ tục hành chính (giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư) được chính quyền tỉnh thực hiện liên tục từ năm 2017 tới nay đã mang lại kết quả tích cực qua đánh giá của doanh nghiệp: 71% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản (năm 2019 là 66%), 84% doanh nghiệp cho biết thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn so với quy định (năm 2019 là 76%).
Gánh nặng chi phí không chính thức của doanh nghiệp tại Quảng Ninh cũng đã giảm bớt, khi chỉ có 3% doanh nghiệp phải chi trả trên 10% doanh thu cho khoản chi này (năm 2019 là 5%). Chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể, với tỷ lệ doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục sử dụng một số loại dịch vụ ở mức cao, ví dụ: dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường (81%), dịch vụ tư vấn pháp luật (88%) và dịch vụ liên quan tới công nghệ (75%).