Ông Nguyễn Thành Phong: “Phải kiên trì, không được làm theo phong trào". |
Không chỉ phụ thuộc vào ý chí lãnh đạo
Trong cuộc họp, ông Phong chỉ đạo thời gian tới UBND các quận huyện cần tập trung giải quyết ba chuyện, gồm: Chợ tự phát, xe dù bến cóc và vỉa hè lòng đường, với tinh thần “không được đánh trống bỏ dùi”.
“Chợ tự phát có rất nhiều và không riêng quận nào. Theo thống kê hiện nay có 49 chợ và dứt khoát những chợ này ảnh hưởng đến giao thông. Xe dù cũng gây ra tình trạng lộn xộn. Đường Mai Chí Thọ (quận 2) không ngày nào không gặp xe Toàn Thắng đậu” – ông Phong nói rồi “điểm mặt chỉ tên” một hãng xe và yêu cầu quận 2 xử lý.
Riêng với vỉa hè, ông cho biết trong hai tuần tới sẽ bố trí để nghe lại tình hình. Người đừng đầu chính quyền TP tiếp tục biểu dương quận 1 và cho rằng đến nay việc làm này vẫn được rất nhiều người hoan nghênh, đồng lòng.
“Phải kiên trì, không được làm theo phong trào, chiến dịch. Những đơn vị nào đã tổ chức lại vỉa hè rồi thì không được để lấn chiếm trở lại” – ông Phong cho hay, và nhấn mạnh rằng việc này cần sự đồng lòng của nhiều tổ chức chính trị, xã hội.
“Các đoàn thể phải cùng chính quyền vào cuộc cho hiệu quả. Chính quyền cũng phải nghe nhiều chiều thì mới đạt kết quả. Nếu không tổ chức đồng bộ mà chỉ phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo thì không thể duy trì được bền vững”
“Các đồng chí phải vào cuộc vì Thành ủy đã có chỉ thị rồi. Phải tiếp tục công việc này. Không có chuyện tháng vừa rồi làm thấy ổn ổn rồi thì thôi. Không làm kiểu như vậy được” – ông nhấn mạnh.
Người đứng đầu TP nhắc lại rằng vỉa hè là do quận huyện quản lý nên Chủ tịch “phải hết sức quan tâm” và cần quyết liệt. Tuy vậy theo ông trong quá trình làm “có thể gặp phải phản ứng này kia, ý kiến này nọ” nên cần lắng nghe điều chỉnh cho phù hợp, lúc xử lý phải đảm bảo đúng quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
“Nhưng phải quyết tâm làm cho được!” – ông kết lại.
Nhiều tuyến đường tại quận 1 vỉa hè đã rất thông thoáng. |
Đã có giải pháp cho vấn đề hàng rong
Báo cáo về vấn đề này sau đó, ông Trần Thế Thuận – Chủ tịch UBND quận 1 cho biết. Trong 134 tuyến của quận thì hiện đã có 100 tuyến thông thoáng, còn lại 34 tuyến đang tiếp tục xử lý. Theo ông đến nay cơ bản các phường đã trực tiếp đứng ra quản lý và duy trì kiểm tra, chỉ “những trường hợp khó” quận mới đi xử lý.
Về bán hàng rong, theo thống kê quận có 580 hộ, trong đó có 260 hộ thuộc diện nghèo.
“Trong 260 hộ đã có 130 hộ đồng ý chuyển đổi thông qua học nghề khác. 100 hộ tới đây sẽ được sắp xếp buôn bán tại đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp. 30 hộ còn lại là khó nhất vì không có khả năng chuyển đổi nghề, vì là người cao tuổi, khuyết tật” – ông Thuận cho hay.
“Chính vì vậy quận đã thuyết phục các tiểu thương của chợ Bến Thành đồng ý chuyển đổi từ túi nilon sang sử dụng túi giấy, để giao cho những hộ nói trên gia công. Mức tiêu thụ hiện nay sẽ đảm bảo cuộc sống cho 30 hộ này” – Chủ tịch quận 1 nhận định.
Đối với các điểm ùn tắc giao thông, ông Thuận cho biết quận còn 8 điểm, trong đó có đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vì đây là nơi tập trung của 4 trường từ mầm non đến phổ thông, với khoảng 8.000 lượt học sinh, mà “hầu hết các cháu được cha mẹ đưa đón”.
Để hạn chế ùn tắc, quận đang thí điểm dự án đưa rước học sinh bằng xe buýt.
“Chúng tôi làm cho mỗi cháu 1 thẻ chip để gia đình biết các cháu đang ở đâu. Khi đưa đến xe không tập trung tại cổng trường mà các cháu xuống cách đó khoảng 100m rồi đi theo người hướng dẫn vào trường. Như vậy cũng sẽ tập được thói quen đi bộ, đi xe buýt từ nhỏ” – ông Thuận cho hay.
Liên quan đến xe buýt, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông vận tải thông tin. Trong 3 tháng đầu năm lượng hành khách đi xe buýt có dấu hiệu “khởi sắc trở lại” với mức tăng 2,1%, đạt 137,5 triệu lượt.
Theo ông, việc TP lập lại trật tự vỉa hè đã tác động không nhỏ vào sự tăng trưởng này vì người đi bộ dễ dàng hơn.