Điểm nóng
Chủ tịch UBND TP.HCM: Cần nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch
Việt Dũng - 28/06/2021 17:59
TP.HCM đã triển khai rất nhiều biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, nhưng số ca nhiễm vẫn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Do vậy, cần nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp

Ngày 28/6, Báo cáo tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM còn diễn biến phức tạp.

Các ca nhiễm trong cộng đồng còn gia tăng qua các trường hợp có triệu chứng đến khám ở các cơ sở khám, chữa bệnh (tăng 32-42 ca). Đây là những ca chỉ điểm từ đó tiến hành truy vết lại các ổ dịch ở các khu trọ, cơ sở sản xuất, chợ đầu mối.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo tại buổi họp


Đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng vi rút Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh). Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại Thành phố. 

Các ổ dịch cộng đồng lớn tại Thành phố ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hoá. Đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.

Thông tin về việc tiêm vắc-xin, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính đến 18h chiều 27/6 đã có 710.773 người được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, hơn 93.000 người hoãn tiêm qua khám sàng lọc.

Trong số người được tiêm, có hơn 398.500 người tại cộng đồng và hơn 312.000 người tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Con số này chưa bao gồm 26.000 nhân viên y tế tư nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Cũng theo Sở Y tế, trong đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thứ 4, có 676 trường hợp phản ứng sau tiêm, trong đó có 101 trường hợp phản ứng phản vệ sau tiêm (28 trường hợp độ 1, 42 trường hợp độ 2, 16 trường hợp độ 3, 2 trường hợp độ 4 và 14 trường hợp khác). Tất cả các trường hợp này đều được theo dõi sát, hiện sức khỏe ổn định.

Trong đợt 4, Sở Y tế đã bổ sung số lượng vắc-xin cho các đối tượng ưu tiên gồm 8.000 sinh viên y khoa; 5.000 thanh niên tự nguyện; 10.000 cán bộ, nhân viên cảng biển; 3.500 cán bộ, nhân viên tại sân bay Tân Sơn Nhất và các nhà cung ứng dược, dịch vụ cho các cơ sở khám, chữa bệnh; các nhân viên y tế đang làm việc tại các phòng khám tư nhân còn lại; các nhân viên phục vụ trong các khu cách ly tập trung của thành phố, quận huyện và khách sạn mới thành lập…

Về việc tổ chức xét nghiệm Covid-19, đại diện Sở Y tế cho biết, tổng số mẫu xét nghiệm (lũy tích) đã thực hiện cho tất cả các nhóm đối tượng từ 26/5/2021 đến 27/6/2021 là 1.195.907 mẫu xét nghiệm. 

Cụ thể, tiếp xúc gần (F1): 19.897 mẫu, trong đó 18.875 mẫu âm tính, 1.022 mẫu chờ kết quả. Tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2): 179.807 mẫu, trong đó 125.842 âm tính, 53.965 đang chờ kết quả. Tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm: 996.203 mẫu, trong đó 846.384 mẫu âm tính, 149.819 mẫu (gộp 10) chờ kết quả.

Lực lượng y tế đã sử dụng 30.000 test kháng nguyên nhanh. Hiện đã bổ sung và cung cấp cho các đơn vị quận, huyện là 132.000 test. Hiện tại đã tiếp nhận 80.000 test nhanh từ Hà Nội chuyển vào ngày 27/6/2021 (Medion).

Tăng tốc xét nghiệm và trả kết quả

Sau khi nghe báo cáo của Sở Y tế và các quận huyện, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, ngay từ khi phát hiện ổ dịch Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng mang chủng Delta, thành viên của nhóm lại có mặt ở cả 16 quận huyện, Thành phố đã dự báo về khả năng dịch bệnh sẽ lây lan nghiêm trọng. 

Mặc dù Thành phố đã nhanh chóng áp dụng Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp, 01 phường của quận 12 và đạt được những hiệu quả nhất định, khống chế sự lây lan từ 2 ổ dịch lớn này. Tuy nhiên cùng thời điểm đó lại phát sinh nhiều ổ dịch mới, buộc thành phố phải quyết tâm nâng cao, tăng cường, siết chặt hơn nữa bằng Chỉ thị 10. 

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM


Sau hơn 1 tuần Thành phố thực hiện Chỉ thị 10, các ca nhiễm và nghi nhiễm vẫn tăng. Vì vậy cần phân tích toàn diện, khoa học, đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện. 

Với quyết tâm cao nhất, để khống chế dịch và thực hiện mục tiêu kép đã đề ra, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo, cần phải tăng cường tối đa việc truy vết nhanh hơn, thần tốc hơn. Đẩy nhanh tối đa tốc độ xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm. Cần xem xét lại việc tổ chức thực hiện của công tác xét nghiệm, trả kết quả xét nghiệm để nâng cao hiệu quả và tốc độ truy vết. 

Việc sử dụng test nhanh kháng nguyên được coi là giải pháp quan trọng góp phần hỗ trợ công tác truy vết, phát hiện trường hợp dương tính sớm. Ngay khi Thành phố nhận được kit test nhanh được Chính phủ hỗ trợ, cần lập tức triển khai thí điểm tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông người và các quận, huyện.

Rà soát lại các khu cách ly tập trung, kiểm tra chặt chẽ trên tinh thần cảnh giác cao nhất. Sơ kết, đánh giá lại việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin đợt 4, từ đó rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế cho các đợt triển khai tiêm chủng tiếp theo.

Mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn Thành phố. Áp dụng vận hành chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ, Thành phố là cấp chỉ huy chiến dịch, huyện là chỉ huy trực tiếp và toàn diện. 

Theo ông Nên, quan điểm của Thành phố là không để mọi hoạt động bị ách tắc, đặc biệt việc cung ứng lương thực thực phẩm phải đảm bảo không để người dân bị thiếu. Do vậy, toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho phòng chống dịch, cố gắng đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất có thể. Các cơ quan, đơn vị giảm tối đa các cuộc hội họp không cần thiết, thay thế bằng các biện pháp ứng dụng công nghệ.

Khẩn trương thành lập Trung tâm thông tin để thu thập, kết nối dữ liệu, thực hiện việc phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh; và Trung tâm phân phối trang thiết bị y tế có đủ thẩm quyền để đáp ứng kịp thời việc cung ứng thiết bị, vật tư cho công tác phòng chống dịch.

Cần tăng cường kiểm tra giám sát

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, đây là ngày thứ 12 liên tiếp TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 lên đến 3 con số mỗi ngày. 

Thành phố đã triển khai rất nhiều các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, thậm chí áp dụng một số biện pháp cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, số ca nhiễm hàng ngày vẫn còn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm, do đó, cả thành phố cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của UBND Thành phố, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch hết sức nghiêm túc.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại buổi họp


Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị tập trung thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới. 

Cụ thể, nâng cao vai trò của Ban chỉ đạo các quận huyện và TP.Thủ Đức theo phương châm 5 tại chỗ: nhiệm vụ tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Chủ tịch UBND quận-huyện toàn quyền quyết định một số vấn đề, trong đó có việc ra lệnh phong tỏa các khu vực trên địa bàn.

Sở Y tế hình thành các đội công tác đặc biệt khẩn cấp đến 22 quận huyện, TP.Thủ Đức và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban chỉ đạo khu vực đó. Riêng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung, Thành phố giao cho Ban quản lý chịu trách nhiệm cao nhất.

Sở Y tế tăng cường tổ công tác đặc biệt tại các khu vực trên, những nơi có nguy cơ cao như ga Tân Sơn Nhất, cảng hàng hải, bến xe, nhà ga,… Đồng thời, tăng cường lực lượng hỗ trợ một số quận huyện đang có tình hình dịch bệnh phức tạp.

Tại các khu cách ly và khu phong tỏa, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn sự tiếp xúc giữa các gia đình. Trang bị wifi, chăm lo đời sống tinh thần cho người trong các khu cách ly. 

Trước tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly thông qua nhà vệ sinh chung, các quận không nên bố trí khu cách ly tại các trường học. Cần xem xét đưa người cách ly vào khách sạn có trang bị nhà vệ sinh riêng mỗi phòng.

Về tổ chức xét nghiệm, cần tăng cường năng lực xét nghiệm, xử lý và trả kết quả xét nghiệm nhanh. Do đó, phải tập huấn tốt và tuân thủ các biện pháp an toàn cho những người đi xét nghiệm; Tiến hành thí điểm test nhanh kháng nguyên tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các ổ dịch, chuỗi lây nhiễm phức tạp. Tầm soát diện rộng quanh các khu cách ly, phong tỏa, các điểm có nguy cơ cao.

Trên cơ sở ý kiến của Sở Y tế, hiện nay, quận huyện có nguy cơ rất cao gồm: Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Nơi có nguy cơ cao là Gò Vấp, Củ Chi, quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 5, quận 4, quận 12 và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ). Các quận có nguy cơ gồm Cần Giờ, quận 10, quận 11, quận 7 và quận Phú Nhuận.
Tin liên quan
Tin khác