Thời sự
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Nới lỏng giãn cách phải dựa trên an toàn
Trọng Tín - 06/09/2021 22:21
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” vào tối 6/9, khi trả lời câu hỏi: “Bao giờ TP.HCM nới lỏng giãn cách?”.

Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính quyền TP.HCM trao đổi với người dân thông qua hình thức trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội, trực tiếp trả lời những vấn đề được quan tâm.

Sẽ mở cửa một số ngành kinh doanh nếu dịch kiểm soát

Trả lời câu hỏi được đông đảo người dân quan tâm: “Bao giờ TP.HCM nới lỏng giãn cách?”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tùy theo tình hình dịch bệnh mà chúng ta sẽ nới lỏng hoặc thắt chặt các biện pháp giãn cách.

Nới lỏng giãn cách nếu không đảm bảo an toàn, không đảm bảo tính mạng của người dân thì không có ý nghĩa. Giãn cách để tập trung xét nghiệm, khi phát hiện F0 rồi phải kịp thời tập trung, điều trị và phải tập trung tiêm vắc-xin.

“Nới lỏng giãn cách phải dựa trên an toàn, an toàn tới đâu, nới lỏng tới đó. Thời gian sắp tới Thành phố phải chuẩn bị tinh thần sống chúng với dịch bệnh, đảm bảo mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân”, ông Mãi nói.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM tại chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" (ảnh chụp màn hình)

Theo ông Mãi, từ đây đến ngày 15/9, Thành phố vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, có hai điều chỉnh theo hướng nới lỏng. Thứ nhất, các siêu thị sẽ mở đến từng xã phường, thị trấn để shipper mua hàng cho người dân và người dân “vùng xanh” đi chợ 1 lần/tuần. Các địa bàn quận 7, huyện Củ Chi và các quận huyện “vùng xanh” có thể quy định đi chợ 2 lần/tuần nếu đủ điều kiện;

Thứ hai, cho bán hàng mang về và mở hai trung tâm tiếp nhận phân phối hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn.

Sau ngày 15/9, tùy điều kiện, tình hình thực tế, Thành phố sẽ quyết định nới lỏng hay thắt chặt. ông Mãi cho biết, việc mở cửa sẽ dựa trên nguyên tắc mở cửa dần dần và an toàn đến đâu mở đến đó.

“Thời gian sắp tới, Thành phố xác định người dân phải sống trong điều kiện có dịch bệnh”, ông Mãi nói.

Về định hướng mở ngành nghề, theo ông Mãi, sau 15/9, nếu tình hình dịch được kiểm soát, Thành phố dự kiến sẽ mở cửa một số ngành kinh doanh như hoạt động thương mại điện tử thông qua shipper, trang thiết bị phục vụ y tế, lương thực thực phẩm, cửa hàng xăng dầu, gas, công trường xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng…

“Nếu đến ngày 15/9 tình hình dịch giảm thì Thành phố sẽ có lộ trình để nới lỏng giãn cách. Thành phố đang đánh giá lại mức độ dịch và chuẩn bị các phương án để đạt được các mục tiêu”, ông Mãi nói.

Về lâu dài, TP.HCM có vị trí rất quan trọng, làm sao có chiến lược phát triển thành phố xứng tầm, khi dịch được cải thiện chúng ta sẽ thảo luận với nhau để có chiến lược bài bản, huy động tất cả nguồn lực của TP.HCM, của cả nước vì sự phát triển của Thành phố.

“Đến giờ chúng tôi vẫn đang tập trung thực hiện lời hứa của mình”, ông nói.

Không được để người dân nào thiếu đói

Đề cập đến vấn đề an sinh cho người dân, ông Phan Văn Mãi cho biết, đến giờ này ngân sách Thành phố đã chi gần 4.800 tỷ đồng và khoảng 1.200 tỷ đồng từ nguồn vận động người dân.

Ông Mãi nhấn mạnh, quan điểm của lãnh đạo TP.HCM, tất cả những người bị kẹt lại không về quê được, ai mất việc, không có thu nhập, khó khăn đều thuộc đối tượng được hỗ trợ.

“Lúc ban đầu xác định hỗ trợ theo người, sau đó đợt 2 hỗ trợ theo hộ. Gói 1,5 triệu/người trước đây và gói 1,5 triệu/hộ cũng chỉ giúp được một phần cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những túi an sinh, hỗ trợ gạo cho người dân vượt qua khó khăn”, ông Mãi nói và nhân diễn đàn gửi lời cám ơn tấm lòng bà con cả nước đã chia sẻ với người dân TP.HCM.

Ông Mãi cho biết thêm, Thành phố đang tính toán, nếu dịch vẫn kéo dài Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người dân. Sau 15/9, sẽ tiếp tục xây dựng chính sách cho các gói tiếp theo để hỗ trợ người dân, dự kiến sẽ phát mỗi người 15kg gạo một tháng, hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ tiền điện tiền nước, vận động giảm tiền trọ...

Liên quan gói hỗ trợ, người dân thắc mắc có nhiều đối tượng yếu thế nhưng không được hỗ trợ, ông Mãi cho biết, Thành phố đã tiến hành kiểm tra và xử lý một số nơi phát sai, cũng có trường hợp thống kê sót, bà con liên hệ phường xã để được lập danh sách. Những trường hợp nào bà con khó khăn, mất việc thì phường xã phải lập danh sách hỗ trợ”.

Không để một người nào không nhận được hỗ trợ, thiếu đói, đó là mục tiêu của chính quyền Thành phố. Nhưng đối với Thành phố hơn chục triệu dân thì vẫn còn thiếu sót.

“Thành phố xin nhận khuyết điểm với bà con. Trước đây, tôi có đề nghị trường hợp bà con chưa được thống kê thì bà con liên lạc bằng điện thoại đến tổ trưởng, khu phố, đến phường. Nếu phát sinh thành phố sẽ cấp thêm”, ông nói.

Tin liên quan
Tin khác