Thông tin này được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ra tại cuộc họp đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, diễn ra chiều 27/8.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Vũ Minh. |
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 98, các loại văn bản đã ban hành theo thẩm quyền của Thành phố (HĐND và UBND) về cơ bản thì đã cụ thể hóa. Tuy vậy, việc đưa các văn bản này áp dụng vào thực tế thì mới chỉ bắt đầu và còn chậm.
Bởi vì khi Thành phố xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của mình thì có một số nội dung cần xin ý kiến Bộ, ngành Trung ương thì được hướng dẫn về quy định hiện hành nên việc việc thực hiện mất nhiều thời gian. “Đây là vấn đề Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất Trung ương giải pháp tháo gỡ”, ông Mãi đề xuất.
Nêu vướng mắc cụ thể trong lĩnh vực đầu tư, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, các dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao dù HĐND đã thông qua tiêu chí, danh sách và tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD nhưng đến giờ này chưa triển khai được dự án nào. Nguyên nhân do các sở chuyên ngành và các địa phương thực hiện chậm vì không đồng bộ với các văn bản hướng dẫn của Trung ương.
Đối với các dự án BT và BOT đầu tư theo cơ chế của Nghị quyết 98 thì đã chuẩn bị xong nghiên cứu tiền khả thi. Trong tháng 9/2024, sẽ tổ chức hội nghị tiếp xúc với các nhà đầu tư, sau đó chọn nhà đầu tư để khởi công vào năm sau.
Tuy nhiên, một số, sở ngành đang quá tải trong việc chuẩn bị đầu tư vì chuẩn bị hồ sơ dự án rất nhiều.
Còn vấn đề thu hút nhà đầu tư chiến lược cũng bị vướng khi xác định danh mục, lĩnh vực ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược vì phải hiệp y thống nhất với các Bộ, ngành.
Ông Mãi cho rằng, trong quý III/2024 nếu gỡ được vướng mắc này thì mới thu hút được nhà đầu tư chiến lược cho Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và thu hút nhà đầu tư công nghệ cao.
Người đứng đầu Chính quyền TP.HCM cũng thông tin thêm có một số tập đoàn lớn muốn trở lại Thành phố đầu tư với mức đầu tư 2-3 tỷ USD. Do vậy, Thành phố phải vận dụng được Nghị quyết 98, xây dựng các cơ chế hấp dẫn thì mới thu hút được các nhà đầu tư chiến lược này.
Không chỉ vướng mắc trong đầu tư, việc thực hiện tín chỉ carbon được nêu trong Nghị quyết 98 cũng đang vướng quy định liên quan đến các cơ chế để chuyển đổi xanh, xử lý nhà máy rác, các phương tiện giao thông xanh...
Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, Nghị quyết 98 không phải là "cây đũa thần" để giải quyết tất cả vấn đề địa phương gặp phải. Ví dụ như việc xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị quyết 98 nhưng chưa tháo gỡ được về quy hoạch, về pháp lý thì cũng không thực hiện được.
"Chúng ta không nên quá phi thực tế trong khi năng lực, thời gian đều có hạn, nhiều vấn đề chưa thông suốt", ông Mãi nói.
Về phía UBND TP.HCM, ông Mãi cho rằng, để việc thực hiện Nghị quyết 98 có hiệu quả, sau này UBND Thành phố sẽ phân công rất rõ nhiệm vụ cụ thể cho các phó chủ tịch, giám đốc các sở, ngành và phải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố.