Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ về chiến lược làmm chủ công nghệ 5G, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.
Làm chủ công nghệ lõi
Theo ông Thắng, ngay sau khi thành công trong tiên phong phổ cập dịch vụ viễn thông di động tại Việt Nam và bắt đầu vươn ra đầu tư thị trường quốc tế, những năm đầu 2010, Viettel đã xây dựng chiến lược làm chủ việc nghiên cứu thiết kế, sản xuất thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, vừa để triển khai hạ tầng mạng lưới vừa để xuất khẩu sang thị trường chúng tôi đầu tư.
Đây là một bước đột phá quan trọng của Viettel nhằm mục đích cung cấp trang thiết bị hạ tầng mạng lưới tin cậy để đảm bảo an toàn thông tin, an toàn dữ liệu, bảo mật hệ thống, một trong những yếu tố sống còn của chuyển đổi số. Hai là đảm bảo tiến độ cung cấp hàng hóa, triển khai hạ tầng mạng lưới, và thời gian cung cấp dịch vụ cho khách hàng, giảm sự phụ thuộc vào nhà cung cấp bên ngoài. Ba là làm chủ hệ thống, thiết bị, chủ động ứng cứu thông tin trong trường hợp sự cố xảy ra và tiến tới thương mại hóa, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.
Để thực hiện chiến lược trên, Tập đoàn Viettel xác định:
Thứ nhất, phải làm chủ thiết kế, làm chủ chất lượng hệ thống, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ sản xuất.
Thứ hai là, hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Qualcomm, Intel, Nvidia... tận dụng năng lực, kinh nghiệm, công nghệ của các nước tiên tiến, giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, việc này giúp chủ động lựa chọn công nghệ phù hợp đồng thời không bị phụ thuộc vào các công ty nước ngoài.
Thứ ba là phát huy lợi thế của doanh nghiệp vừa kinh doanh viễn thông vừa sản xuất thiết bị, lực lượng khai thác kinh doanh trực tiếp cùng tham gia nghiên cứu để vừa làm vừa đánh giá, vừa thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm, chính vì vậy các thiết bị Viettel sản xuất có tính cá thể hóa theo từng thị trường, bám sát được nhu cầu khách hàng.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong giai đoạn hiện nay, 5G có vai trò quan trọng đóng góp vào triển khai chiến lược Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Với tốc độ vượt trội, độ trễ thấp và khả năng kết nối hàng triệu thiết bị đầu cuối, công nghệ 5G là nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều ngành, lĩnh vực, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế như sản xuất thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh.
Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 tầm nhìn 2030 xác định năm 2030 phải triển khai mạng 5G trên diện rộng, đảm bảo phủ sóng 5G đến 99% dân số. Chính vì vậy, từ những năm 2018, Tập đoàn Viettel đã bắt tay nghiên cứu công nghệ 5G, đến nay làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái sản phẩm 5G từ thiết bị mạng lõi, truyền dẫn, thiết bị mạng lưới, thiết bị vô tuyến, đầu cuối, có chất lượng tương đương các nhà cung cấp thế giới.
Cụ thể, đối với mạng lõi 5G, Viettel đã triển khai trên mạng lưới hệ thống mạng lõi 5G cho thoại và dữ liệu, đáp ứng được các tiêu chuẩn Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Đối với mạng truyền dẫn: Viettel đã sản xuất và triển khai các thiết bị truyền dẫn Site Router tốc độ 100Gbps, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải dữ liệu tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu băng thông lớn của các ứng dụng như IoT công nghiệp, AI và thực tế ảo.
Đối với trạm thu phát sóng 5G, Viettel đã nghiên cứu thành công, triển khai trên mạng lưới trạm 5G 32 thu – 32 phát với tốc độ cao, độ trễ thấp và có khả năng kết nối hàng triệu thiết bị trên diện rộng. Đối với lớp ứng dụng, Viettel đã triển khai thành công hệ thống tính cước thời gian thực vOCS cho toàn bộ các thuê bao 4G, 5G của Viettel.
Đến nay, các sản phẩm trong hệ sinh thái 5G đang được sử dụng ở hầu hết các thị trường mà Viettel đầu tư và bước đầu xuất khẩu sang một số nước như Ấn Độ, UAE. Ngoài ra, thiết bị viễn thông Viettel cũng được triển khai trong các phòng lab của trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Bưu chính viễn thông, góp phần tăng cường học cụ cho các giảng viên, thầy cô trong trường.
Trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các công nghệ mạng viễn thông thế hệ tiếp theo như 5G Advanced để cải tiến tốc độ, mở rộng khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực như tự động hóa công nghiệp và thực tế ảo tăng cường; Đồng thời tham gia tổ công tác nghiên cứu phát triển công nghệ 6G dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT.
Đề xuất triển khai Nghị quyết 57-NQ/TƯ
Ngày 13/01/2025, Tập đoàn Viettel đã được tham dự Hội nghị của Ban Bí thư Trung ương Đảng phổ biến Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; trực tiếp được nghe Tổng Bí thư quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.
"Chúng tôi nhận thấy Nghị quyết 57 đã đưa ra những mục tiêu rõ ràng, giải pháp thực hiện đầy đủ, toàn diện, với những chính sách đột phá để tháo gỡ những “điểm nghẽn của điểm nghẽn” làm hạn chế sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời gian qua, như cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới; cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược,…", ông Thắng cho biết
Để các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 57, tại Diễn đàn, lãnh đạoTập đoàn Viettel đề xuất, kiến nghị một số vấn đề:
Một là, ban hành hướng dẫn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các công nghệ mới. Nghị quyết 57 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đây là chủ trương đột phá để các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho doanh nghiệp.
Do đó, Viettel kiến nghị Nhà nước sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm tại doanh nghiệp theo các quy định của pháp luật; Hướng dẫn việc đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới không chỉ dựa trên các hiệu quả về tài chính. Chúng tôi cho rằng, dù kết quả nghiên cứu thành công hay thất bại đều mang lại bài học quý báu để chúng ta mau chóng đạt được thành công trong tương lai.
Hai là, đề xuất triển khai giải pháp hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. Nghị quyết 57 cũng đã đề cập đến giải pháp về hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ chiến lược.
Viettel kiến nghị Nhà nước sớm hình thành và hướng dẫn sử dụng quỹ này để doanh nghiệp có thêm nguồn lực, kịp thời triển khai các nhiệm vụ đã đặt ra trong các chiến lược quốc gia, tập trung vào các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng… tránh việc phân bổ dàn trải làm giảm hiệu quả đầu tư.
Ba là, đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm Make in Viet Nam. Một trong những giải pháp trong Nghị quyết 57 để thúc đẩy sản xuất trong nước là cơ chế khuyến khích mua sắm đối với các sản phẩm, hàng hoá là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra. Đây là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy nghiên cứu trong nước.
"Như Tổng Bí Thư đã phát biểu tại cuộc gặp doanh nghiệp vừa và nhỏ: “Không một tập đoàn lớn nào không khởi nguồn từ doanh nghiệp nhỏ”. Các nhà cung cấp thiết bị lớn cũng khởi đầu từ quy mô nhỏ và chi phí nghiên cứu, phát triển rất lớn. Hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được nhiều sản phẩm công nghệ cao với chất lượng tương đương các nhà sản xuất lớn trên thế giới, tuy nhiên giá thành không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài do họ có thị trường lâu năm, lợi thế về quy mô và có những chính sách linh hoạt trong nghiên cứu, công nghệ”.
Do vậy, chúng tôi đề xuất Nhà nước sớm ban hành cụ thể quy định khuyến khích mua sắm, sử dụng các sản phẩm công nghệ do doanh nghiệp trong nước sản xuất", ông Thắng cho biết.
Theo lãnh đạo Viettel, việc làm chủ các hệ thống, thiết bị trong hệ sinh thái 5G sẽ là nền tảng để Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công nghệ lưỡng dụng. Với tinh thần trách nhiệm và sự đổi mới không ngừng, Viettel xin hứa tiếp tục tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 57.