GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. |
Đó là khẳng định của GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại buổi giới thiệu “Báo cáo An sinh Xã hội Thế giới 2024 - 2026” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 30/10.
Buổi giới thiệu nhằm phổ biến các thông điệp chính của Báo cáo An sinh Xã hội Thế giới giai đoạn 2024-2026, cũng như nội dung của Báo cáo đồng hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tới nhiều bên liên quan ở Việt Nam, bao gồm các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức xã hội, các tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động, các đối tác phát triển, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các trường đại học, viện nghiên cứu, các địa phương, doanh nghiệp.
Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, để đạt được phát triển bền vững thì các mục tiêu về an sinh xã hội là một trong những mục tiêu then chốt mà mỗi quốc gia cần hướng tới đạt được.
Hệ thống an sinh xã hội đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, thúc đẩy công bằng xã hội, thực hiện quyền an sinh xã hội cho toàn dân nên các chính sách an sinh xã hội đã và đang trở thành yếu tố thiết yếu trong chiến lược phát triển của các quốc gia nhằm giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập và đời sống của các gia đình. Đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển việc làm bền vững.
Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng hơn nữa nhằm tạo cơ sở cho việc từng bước mở rộng mức độ bao phủ an sinh xã hội, được thể hiện trong Nghị quyết 28-NQ/TW (năm 2018) về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Nghị Quyết 42-NQ/TW (năm 2023) về Đổi mới chính sách xã hội, sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội (2024) và đang sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Việc làm. Những thay đổi này đưa Việt Nam tiếp cận gần hơn đến việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), phù hợp với các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế (ILS) và các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đối với việc mở rộng an sinh xã hội cho toàn dân, ví dụ như thị trường lao động phi chính thức còn lớn và già hóa dân số nhanh trong điều kiện thu nhập trung bình. Đặc biệt, những năm gần đây, biến đổi khí hậu đang nổi lên là một thách thức lớn. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất về biến đổi khí hậu. Điều này ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với công bằng xã hội hiện nay, GS.TS Phạm Hồng Chương nói.
Buổi giới thiệu “Báo cáo An sinh Xã hội Thế giới 2024 - 2026” ngày 30/10. |
Theo số liệu tính toán từ Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và dự báo dân số 2019 - 2069 của Tổng cục Thống kê, dân số cao tuổi (từ 60 tuổi) của Việt Nam tăng mạnh từ 11,4 triệu người chiếm tỷ lệ 11,86% vào năm 2019, dự kiến lên 20,2 triệu người, chiếm 18,71% vào năm 2034 và lên mức 28,6 triệu người, chiếm tỷ lệ 24,88% vào năm 2049.
GS.TS. Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nguồn lực tài chính của Việt Nam còn hạn chế trong bối cảnh nguy cơ “già trước khi giàu”. Ngoài ra, chính sách tản mát, chồng chéo và chưa thực sự thích ứng với già hóa dân số cũng là những thách thức của già hóa dân số đối với an sinh xã hội ở Việt Nam.
Để giải quyết các thách thức trên, theo GS.TS Phạm Hồng Chương, an sinh xã hội toàn dân là công cụ hàng đầu hiện có để giúp đảm bảo rằng khủng hoảng khí hậu không làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.
Ông Chương cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy an sinh xã hội toàn dân ở Việt Nam, cần đổi mới chính sách an sinh xã hội, đảm bảo hệ thống chính sách phù hợp với tiêu chuẩn Lao động Quốc tế (ILS) và các thông lệ quốc tế tốt nhất. Tập trung vào cách tiếp cận toàn diện và tích hợp để đảm bảo rằng, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam có thể giải quyết các thách thức hiện nay từ quá trình chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, không bỏ ai lại phía sau.
“Việc đầu tư cân bằng cho cả tăng trưởng kinh tế và các chính sách xã hội mới sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và bao phủ an sinh xã hội toàn dân”, ông Chương phân tích.
Nêu một số định hướng chính sách, ông Andre Gama, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội, Tổ chức ILO Việt Nam cho rằng, cần tăng cường hệ thống an sinh xã hội quốc gia để thực hiện an sinh xã hội toàn dân. Trong đó, mở rộng diện bao phủ, bao gồm cả người lao động trong tất cả các loại hình việc làm; cải thiện mức hưởng; đảm bảo ít nhất một mức an sinh xã hội cơ bản cho mọi người. Bên cạnh đó, đảm bảo tài chính bền vững và công bằng cho an sinh xã hội bằng cách huy động nguồn lực trong nước từ thuế và tiền đóng bảo hiểm xã hội; huy động sự hỗ trợ của quốc tế trong bối cảnh cần thiết...