TIN LIÊN QUAN | |
Báo chí đã nói tiếng nói của hơn 90 triệu đồng bào | |
“Đề tài” duy nhất của Nhà báo Hồ Chí Minh | |
“Với các nhà báo tôi không chỉ muốn nói lời chúc mừng…” |
Với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông Lê Như Tiến chưa bao giờ nói không với báo chí. Ông luôn đến với báo chí bằng tư duy mở và tấm lòng rộng mở.
“Báo chí cần mình với tư cách là đại biểu Quốc hội cũng đồng nghĩa với dư luận xã hội cần mình, cử tri cần mình”, ông Tiến nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến |
Trước khi trở thành đại biểu Quốc hội (từ năm 2007), ông Lê Như Tiến từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Văn phòng Quốc hội. Vì vậy, ông khá hiểu vai trò của báo chí đối với cơ quan lập pháp cũng như các đại diện của cử tri khi cho rằng, trong hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, báo chí luôn đóng vai trò không thể thiếu.
Chứng minh lập luận đó, ông Tiến cho biết, báo chí là nguồn cung cấp thông tin khách quan, kịp thời, trung thực về tình hình trong nước và thế giới cho đại biểu Quốc hội; đồng thời là phương tiện hữu hiệu và không thể thiếu để đại biểu Quốc hội bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình nhằm tác động đến chính sách, tác động đến cơ quan, tổ chức, đến công chúng. Và chính báo chí làm cho hình ảnh của đại biểu Quốc hội “lung linh” trong con mắt cử tri cả nước.
Đến thời điểm này, cựu phóng viên Báo Quân đội Nhân dân Lê Như Tiến đã có 7 năm làm việc ở cơ quan lập pháp với tư cách là đại biểu Quốc hội. Dưới góc nhìn của ông, báo chí đưa tin rất đậm đà, rất đặc sắc, chính xác, khách quan mọi hoạt động của Quốc hội trên nghị trường.
“Điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là, tính công khai, minh bạch, kịp thời được thay đổi theo hướng tích cực hơn qua từng kỳ họp Quốc hội. Đây không chỉ là sự cố gắng của Văn phòng Quốc hội, mà còn là nỗ lực không mệt mỏi của những phóng viên được phân công theo dõi, viết tin bài về hoạt động của Quốc hội”, ông Tiến chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Ông Tiến cho biết, Hội trường Ba Đình đang được xây lại, mấy năm qua, Quốc hội phải họp nhờ tại Hội trường Bộ Quốc phòng, nên không có đủ không gian, phương tiện kỹ thuật cho phóng viên tác nghiệp.
“Chỉ một thời gian ngắn nữa, khi Hội trường Ba Đình hoàn thiện và đưa vào sử dụng, các kỳ họp của Quốc hội được tổ chức ở Hội trường Ba Đình hiện đại, với đầy đủ công năng, thì chắc chắn, hoạt động của báo chí sẽ nhộn nhịp hơn. Thông tin về hoạt động Quốc hội đầy đủ hơn, kịp thời hơn, chính xác hơn, khách quan hơn khi đến với công chúng”, ông Tiến kỳ vọng.
Tham gia 16 kỳ họp Quốc hội liên tục kể từ năm 2007 đến nay và gần như kỳ họp nào, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng có phát biểu để lại ấn tượng trên nghị trường hay qua trả lời phỏng vấn của báo chí.
Còn nhớ, khi lên án tình trạng tham nhũng, lãng phí, ông Tiến từng ví von “tham nhũng và lãng phí là hai anh em sinh đôi” hay “tham nhũng, lãng phí chính là hòn đá tảng cản đường cất cánh của đất nước”. Còn khi cho ý kiến vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, ông cho rằng, “quả đấm thép đang tan chảy”.
Và ông cũng đã từng nói lên mong muốn của cử tri: “Mong muốn có Bao Công dám cởi bỏ mũ ô sa để tuyên chiến với tham nhũng”. Hay ông sử dụng thành ngữ “con gà tức nhau tiếng gáy” để chỉ bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ của lãnh đạo nhiều địa phương khi đua nhau xin thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay, bến cảng, sân golf…
“Khi phát biểu trên nghị trường, trong thảo luận tổ, hay phát biểu trước báo chí, mình có kinh nghiệm là không nói theo ngôn ngữ văn tự hành chính, ngôn ngữ lập pháp, mặc dù mình là cử nhân luật. Bởi những bài phát biểu như vậy sẽ trở nên khô khan, ít người muốn nghe, ít người muốn nhớ, do không đi vào lòng người. Vì vậy, thay vì phát biểu gây sốc, phát biểu với văn phong hành chính, mình lựa chọn hình ảnh ví von, đời thường để nói về các vấn đề vĩ mô, gây bức xúc trong dư luận xã hội”, ông Tiến cho biết.
Minh chứng cho kinh nghiệm đó, ông Tiến nêu ví dụ, khi đề cập vấn đề tham ô, hối lộ, thay vì phát biểu “tình trạng tham ô, hối lộ ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành với nhiều mức độ khác nhau…”, ông nêu rằng, tham ô, hối lộ không đi bằng con đường “chính ngạch”, mà đi bằng con đường “tiểu ngạch” qua các quý bà, quý cô, quý cậu, quý người thân trong gia đình quan chức…
“Thực ra, mình sử dụng ngôn ngữ sinh động, đời thường của báo chí, hình ảnh phong phú mà báo chí thường ví von để vấn đề được đề cập dễ đi vào lòng người”, ông Tiến chia sẻ.
Ông Tiến cho rằng, báo chí luôn phản ánh khách quan, trung thực hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội. Vì vậy, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, bản thân mỗi đại biểu Quốc hội cần tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp. Bởi chỉ có thông qua báo chí, cơ quan lập pháp, đại biểu cơ quan dân cử mới xây dựng được hình ảnh của mình trong con mắt cử tri.
“Đó chính là lý do vì sao cánh cửa phòng làm việc của tôi luôn rộng mở với báo chí. Chưa bao giờ tôi nói không với báo chí, chưa bao giờ né tránh câu hỏi mà báo chí đặt ra cho tôi với tư cách là đại biểu Quốc hội. Những vấn đề gì báo chí hỏi mà tôi chưa nghiên cứu kỹ, chưa hiểu sâu, thì chỉ có thể “xin” nhà báo một cuộc hẹn trả lời trong thời gian gần nhất”, ông Tiến tâm sự.
Hàn Tín