Ngày 24/5, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên xét xử phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành và 12 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank).
Trong vụ án này, Nguyễn Thị Hà Thành được xác định có 7,3 triệu cổ phần (tương ứng với 26%) tại Công ty cổ phần Đầu tư MHD, đứng tên bị cáo Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Jongho Landmark.
Đây là số cổ phần Thành đã đưa tiền, nhờ Tùng mua, với giá trị khoảng 75 tỷ đồng. Theo đề nghị của Nguyễn Thị Hà Thành, bị cáo muốn bán số cổ phần trên, sử dụng số tiền thu được để nộp khắc phục hậu quả của vụ án.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. |
Trước đó, xuất hiện một nhà đầu tư sẵn sàng mua số cổ phần này với giá trị 75 tỷ đồng, thậm chí có thể trả giá cao hơn để tăng số tiền khắc phục cho bị cáo Hà Thành.
Từ đó, Hội đồng xét xử cũng đã tạo điều kiện để các bị cáo, luật sư, nhà đầu tư và các bên liên quan ngồi lại để thỏa thuận và thống nhất phương án giải quyết đối với số cổ phần trên, kết quả sẽ được Tòa ghi nhận.
Theo đại diện Công ty MHD, số cổ phần trên đứng tên bị cáo Tùng, đã được thế chấp và hiện tại Ngân hàng Việt Á và hiện tuy nhiên bị cáo này và bị cáo Thành đã xác nhận số cổ phần trên của Thành, do đó phía công ty không có ý kiến gì về việc chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác để lấy tiền khắc phục hậu qủa.
Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng Việt Á cũng khẳng định, đã có công văn gửi Hội đồng xét xử với nội dung xác nhận số cổ phiếu này hiện chưa được giải chấp, nếu các bên đồng ý giao dịch thì ngân hàng sẽ làm thủ tục giải chấp theo quy định.
Sau khi được trao đổi riêng, Nguyễn Thị Hà Thành cho biết, đồng ý bán số cổ phần trên cho nhà đầu tư để có nguồn tiền khắc phục hậu quả vụ án. Nhà đầu tư mới cũng đã dự kiến mua số cổ phần trên với giá trị gần 75 tỷ đồng và trả thêm 30 tỷ đồng cho Thành để giải quyết khó khăn ngoài số tiền khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngoài thế chấp số cổ phần trên tại Ngân hàng Việt Á, bị cáo cũng thế chấp và bán cổ phần cho hai người là ông Nguyễn Ngọc Phương và một người khác là ông Phú.
Do đó, nhà đầu tư mới đề nghị việc mua lại cổ phần phải được ký kết tại tòa và có sự xác nhận của Công ty MHD về việc số cổ phần này là hợp pháp, để tránh các rủi ro pháp lý liên quan.
Phản hồi về nội dung trên, đại diện Công ty MHD khẳng định, số cổ phần trên bị cáo Tùng thế chấp tại Ngân hàng Việt Á, phía công ty không liên quan, nên không thể xác nhận việc chuyển nhượng này. Công ty đã thông báo không công nhận tư cách cổ đông của bất kỳ ai cho đến khi Tòa án có phán quyết.
Theo Hội đồng xét xử thống kê, Hà Thành có 68,5 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm đồng sở hữu và 75 tỷ đồng, tương đương 26% cổ phần tại Công ty MHD
Ngoài ra, sau khi Hà Thành khai lại chi tiết các khoản vay tại 3 ngân hàng, tòa phúc thẩm xác định thiệt hại còn lại của vụ án còn lại là 248 tỷ đồng
Hơn nữa, Ngân hàng Việt Á đang giữ lại số tiền 285 tỷ đồng của Nguyễn Thị Hà Thành, trong khi số tiền Thành chiếm đoạt của ngân hàng này chỉ 248,5 tỷ đồng.
Sau khi dành phần lớn thời gian trong ngày để các bên thảo luận và đưa ra phương án giải quyết số cổ phần trên, làm căn cứ để tòa ghi nhận việc khắc phục thêm hậu quả của vụ án của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành, để có thể xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo này, nhưng các bên chưa thống nhất được.
Hội đồng xét xử quyết định nghị án kéo dài và tuyên án vào 9h sáng mai, ngày 25/5.