Người lao động có thêm cơ sở để lựa chọn những doanh nghiệp uy tín qua kết quả xếp hạng. |
Tuy nhiên, kết quả cho thấy mới gần 1/3 doanh nghiệp đạt 5 sao trên tổng số 6 sao và không có doanh nghiệp nào được xếp hạng tối đa.
Theo bảng xếp hạng, trong tổng số 66 doanh nghiệp (doanh nghiệp) được xếp hạng năm thứ 3 có 26 doanh nghiệp ( 39%) đạt 5 sao; 36 doanh nghiệp (55%) đạt 4 sao và 4 doanh nghiệp đạt 3 sao.
Trong đó, chỉ có 2 doanh nghiệp đạt 5 sao (chiếm 10,5%) trong số 19 doanh nghiệp năm nay là năm đầu tham gia xếp hạng; có 10 doanh nghiệp đạt 5 sao ( chiếm 37% ) trong số 27 doanh nghiệp qua 2 năm thực hiện CoC-VN và có 14 doanh nghiệp đạt 5 sao (chiếm 70%) trong số 20 doanh nghiệp qua 3 năm thực hiện CoC-VN.
Những con số này chỉ ra rằng, những doanh nghiệp tích cực tham gia và được giám sát thực hiện CoC-VN sớm hơn thì phần lớn có chất lương hoạt động tốt hơn và đã có sự tiến bộ rõ rệt so với năm đầu.
Mục tiêu của việc xếp hạng nhằm cải thiện việc thực hiện Bộ quy tắc và trách nhiệm của các đơn vị tuyển dụng. Ngoài ra, việc xếp hạng cũng khuyến khích tuân thủ luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ và thương hiệu của doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ người lao động xuất khẩu tốt hơn.
Tại buổi báo cáo, ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam (VAMAS) nhận định: “Các doanh nghiệp tham gia giám sát, đánh giá đã có những chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hơn các quy chế hoạt động hướng theo chuẩn mực của Bộ quy tắc ứng xử. Đã xuất hiện một số thực tiễn tốt nhằm giảm chi phí cho lao động di cư, chuẩn bị tốt về kiến thức và kỹ năng cho người lao động trước khi xuất cảnh, quản lý lao động khi ở nước ngoài và hỗ trợ lao động về nước”.
Ông Trào cũng cho biết thêm nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lẽ ra đã được xếp hạng ở mức cao hơn, nhưng đã mất khá nhiều điểm do người lao động phàn nàn về các mức phí cao.
Là một trong những doanh nghiệp đạt thứ hạng 5 sao theo bộ quy tắc COC-VN, ông Nguyễn Quang Anh, Tổng giám đốc VINAINCOMEX cho biết, từ những phương thức áp dụng trong Bộ quy tắc ứng xử, công ty cũng đã được các đối tác tin tưởng đầu tư các thiết bị giảng dạy và đào tạo nghề để đào tạo trực tiếp người lao động tại Việt Nam, giúp cho người lao động vững tay nghề khi sang nước ngoài làm việc, giảm thiểu rủi do cho người lao động.
So với bảng xếp hạng lần đầu tiên, số doanh nghiệp tham gia đã nhiều hơn gấp ba lần, và vào năm tới, con số này sẽ lên tới 90 doanh nghiệp trong tổng số hơn 240 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VAMAS, quy trình đánh giá vẫn còn nhiều điểm có thể cải thiện trong những năm tới.
Nếu thời gian đầu, quá trình đánh giá quan tâm nhiều hơn đến thưởng điểm cho doanh nghiệp có mô hình tốt, thì tới đây, đồng thời sẽ áp dụng bảng điểm trừ để trừ điểm doanh nghiệp chưa nỗ lực trong hoàn thiện các quy chế, cơ chế cụ thể trên cơ sở Bộ quy tắc ứng xử nhằm thúc đẩy sự chuyển biến về chất trong hoạt động của doanh nghiệp.
Chủ tịch VAMAS cũng cho biết việc triển khai thực hiện Bộ quy tắc và giám sát đánh giá kết quả thực hiện cần thu hút sự tham gia, phối hợp đồng bộ của nhiều bên, bao gồm Hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra kiểm tra về lao động, các Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức xã hội khác. Năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã bắt đầu tham gia vào quy trình này.
Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO Việt Nam) nhấn mạnh, “Thúc đẩy việc tự điều tiết có ý nghĩa quan trọng nhằm cải thiện dịch vụ tuyển dụng và bảo vệ lao động di cư, khi con số lao động Việt Nam lựa chọn di cư ra nước ngoài làm việc đã tăng và sẽ còn tăng lên. Di cư lao động sẽ tiếp tục là một vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần phải giải quyết tốt để hướng tới thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững.”
Ông Lee khẳng định thêm: “Người lao động di cư dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người và lao động cưỡng bức trong quá trình di cư, tuy nhiên tính dễ bị tổn thương này có thể giảm xuống nếu họ lựa chọn di cư theo các kênh được quản lý tốt, và thông qua một doanh nghiệp tuyển dụng có xếp hạng cao bởi một hệ thống xếp hạng uy tín”.
Số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gia tăng đều đặn qua các năm qua. Năm 2014 có tới 105.000 lao động so với con số 88.000 vào năm 2013.
Số lượng lao động di cư, luân chuyển giữa các nước được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng đặc biệt là khu vực châu Á khi hình thành cộng đồng chung ASEAN vào năm 2016.
Báo cáo toàn cầu của ILO vừa công bố ngày 16/12 cho thấy số lao động di cư trên toàn thế giới hiện đạt tới 150,3 triệu người.