Doanh nghiệp
Mạnh tay để giữ thị trường xuất khẩu lao động
Trần Hà - 14/09/2015 09:35
Để giữ thị trường xuất khẩu lao động, cần có những biện pháp quản lý chặt và mạnh tay hơn với nguồn lao động này.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thị trường lao động bị ảnh hưởng bởi những hành vi vô tổ chức

Theo thống kê của Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Tư pháp Hàn Quốc, hiện có 26.340 lao động Việt Nam lưu trú bất hợp pháp tại nước này.

Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, tỷ lệ lao động bỏ trốn cao tại Hàn Quốc phần nhiều do người lao động chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, song cũng một phần do không ít doanh nghiệp Hàn Quốc thích sử dụng lao động bất hợp pháp do không mất phí tuyển dụng, đào tạo, bảo hiểm.

Nhìn ở tầm vĩ mô, sự vô tổ chức của những lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường xuất khẩu lao động. Bằng chứng rõ nét nhất là, thay vì ký hợp đồng dài hạn, từ khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi năm, Chính phủ Hàn Quốc chỉ ký kết hợp tác lao động với Việt Nam một lần.

Với thay đổi như vậy, từ năm 2011, Việt Nam chưa tổ chức thi thêm một kỳ thi tiếng Hàn nào và các trường hợp được trở lại Hàn Quốc chỉ ưu tiên cho 2 đối tượng là những người đã đỗ kỳ thi chứng chỉ tiếng Hàn theo Chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) và những người lao động Việt Nam đã hoàn thành đúng quy định lao động về nước để thi lại.

Cũng xuất phát từ những hành vi cá nhân mà gần đây, Công ty Emirates GateWays Security Service (EGSS) của Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với tất cả lao động của Việt Nam.

Xử lý từ vĩ mô tới vi mô

Với thị trường Hàn Quốc, bất chấp mức xử phạt hành chính theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP lên tới 100 triệu đồng, nhưng số lao động trốn ở lại Hàn Quốc làm việc bất hợp pháp vẫn rất lớn.

Nhằm xử lý tình trạng trên, ngày 7/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 62/NQ-CP. Theo đó, người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong thời gian từ ngày 1/9 đến 31/12/2015 sẽ không bị phạt tiền.

Trước đó, Hàn Quốc cũng triển khai rộng rãi chương trình đăng ký tự nguyện về nước dành cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Theo chương trình này, những người cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước sẽ được xem xét rút ngắn thời gian cấm nhập cảnh trở lại Hàn Quốc xuống còn 2 năm và miễn đóng tiền phạt, không bị tạm giam.

Trong năm nay, phía Hàn Quốc thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp với người lao động bỏ trốn. Trong đó, ưu tiên xử lý doanh nghiệp sử dụng lao động cư trú bất hợp pháp và xử phạt đối tượng lao động này. Bên cạnh đó, các hành vi từ chối, cản trở việc điều tra mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt đến 10.000.000 won (hơn 9.000 USD), người nộp hồ sơ giả đăng ký lưu trú sẽ bị trục xuất về nước… Những người bị bắt sẽ bị phạt, bị trục xuất về nước và cấm nhập cảnh Hàn Quốc trong thời hạn tới 10 năm.

Đó là những biện pháp mạnh tay nhằm truy quét 226.000 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó có hơn 26.000 người Việt Nam, riêng số cư trú bất hợp pháp đi theo Chương trình EPS có khoảng 16.000 người.

Với thị trường UAE, Việt Nam và UAE đã ký Biên bản thỏa thuận về hợp tác lao động từ năm 2009. Tuy nhiên, theo đại diện một số doanh nghiệp đang xuất khẩu lao động sang nước này, chủ yếu các đơn hàng xuất khẩu lao động cung ứng vào thị trường này được ký kết ở cấp độ doanh nghiệp với một tập đoàn quốc tế. Để giảm nguy cơ những vụ việc phát sinh, doanh nghiệp nên chủ động quản lý, thay vì chờ những động thái hỗ trợ từ phía chính quyền.

Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại (SONA) - doanh nghiệp có kinh nghiệm dày dạn đưa lao động sang thị trường Trung Đông khẳng định, để triển khai được các đơn hàng cung ứng nhân lực cho thị trường Trung Đông cần tìm hiểu kỹ 4 yếu tố.

Thứ nhất, tìm kiếm ký kết với chủ sử dụng lao động là những tập đoàn đa quốc gia vì những tiêu chuẩn phúc lợi và lương thưởng, chế độ liên quan tới ăn, ở đi lại của các tập đoàn này đều theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai, ngoài thẩm định của Cục Quản lý lao động ngoài nước, đại sứ quán ở nước sở tại, đại diện công ty đưa lao động đi nước ngoài cũng phải thẩm định đơn hàng trước kia của đối tác về mức lương, quản lý, tình hình chi trả lương…

Thứ ba, trong đàm phán hợp đồng phải có những điều khoản quy định chặt chẽ, đưa những vấn đề đã từng phát sinh những năm trước đó vào đàm phán nhằm hạn chế tối đa rủi ro.

Thứ tư, duy trì tốt mối quan hệ với chủ sử dụng lao động và có cán bộ người Việt phụ trách lương, hành chính, quản lý lao đông… đi cùng người lao động để có thể giải quyết kịp thời theo hướng hợp tác nếu có phát sinh.

Tin liên quan
Tin khác