Doanh nghiệp
Chưa thấy đáy khó khăn, doanh nghiệp đầu tư cầm chừng
Khánh An - 01/04/2023 08:30
Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý I/2023 cao hơn số doanh nghiệp gia nhập, tái giá nhập đang là chỉ dấu của tình trạng bất an về sản xuất - kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp về việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý làm giảm cơ hội đầu tư của doanh nghiệp

Doanh nghiệp loay hoay trong bất an

Doanh nghiệp đang đầu tư cầm chừng, nghe ngóng, cái gì “dễ mở dễ đóng” mới làm, chưa có định hướng lớn…

Đây là “nét vẽ” chung nhất về khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa mà Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) gửi tới Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi nhận được đề nghị báo cáo cụ thể tình hình doanh nghiệp, để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 3/4 tới.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Lê Anh Văn, có rất nhiều, từ chi phí đầu vào gia tăng, đầu ra khó khăn… Nhưng đáng ngại nhất là tình trạng nhiều dự án do các doanh nghiệp đang triển khai gặp vướng mắc pháp lý, nhưng chưa có hướng ra.

“Nhiều dự án vướng quy định của pháp luật về nhà ở, đất đai, phòng cháy chữa cháy…, phải đi hỏi nhiều sở, ban, ngành, nhưng vẫn chưa có phương án. Có cảm giác như các sở, ngành ở nhiều địa phương cũng e dè, né tránh”, ông Lê Anh Văn thẳng thắn nêu.

Là người phát biểu mở đầu cuộc làm việc do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trực tiếp chủ trì, ông Lê Anh Văn cũng đề xuất rất cụ thể phương án, đó là các địa phương thành lập ban chỉ đạo do chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm trưởng ban. “Chúng ta nói rất nhiều về gỡ vướng, nhưng cần cơ chế tháo gỡ cụ thể cho từng vướng mắc của doanh nghiệp, chứ hiện tại, doanh nghiệp rất loay hoay, nhờ tư vấn, nhờ luật sư cũng không giải quyết được”, ông Lê Anh Văn nói.

Nhưng loay hoay không phải là tình trạng riêng của hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, doanh nghiệp ngành xây dựng trong quý I/2023 chỉ thực hiện được khoảng 10% kế hoạch năm.

“Trong lĩnh vực xây dựng, quý I thường có tỷ lệ thực hiện thấp hơn các quý khác, nhưng trung bình mọi năm đạt khoảng 18-20%. Năm nay, có doanh nghiệp cho biết, từ đầu năm chưa có dự án nào”, ông Hiệp nói.

Đặc biệt, theo ông Hiệp, tình trạng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đề nghị thanh toán cho doanh nghiệp xây dựng bằng sản phẩm vì không có tiền mặt đã diễn ra. “Vấn đề không chỉ là chưa có tiền lệ, mà còn vì nhiều sản phẩm bất động sản chưa đủ cơ sở pháp lý, không nhận thì sợ mất, mà nhận thì chưa biết xử lý thế nào. Doanh nghiệp xây dựng đa phần đi vay để thực hiện dự án, giờ không có dòng tiền, nên rất lao đao”, ông Hiệp làm rõ.

Mắc kẹt trong các quy định thay đổi liên tục

“Mắc kẹt” là từ mà bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) dùng khi gửi kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Chỉ trong vòng 18 tháng, có tới 3 văn bản, trong đó có 2 thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Có doanh nghiệp cho biết, đang đầu tư theo phương án cũ, bây giờ lại phải thẩm định, nghiệm thu theo phương án mới mà không có hướng dẫn chuyển tiếp, khiến cả doanh nghiệp cũng như cán bộ thẩm tra bị mắc kẹt”, bà Thủy nói.

Tình trạng mắc kẹt còn được doanh nghiệp chia sẻ ở góc độ không thể thực hiện được quy định hiện hành. “Có một thông tư liên quan đến phòng cháy chữa cháy quy định về vật liệu sơn chống cháy. Đây là quy định cần thiết, doanh nghiệp cũng muốn thực hiện, nhưng trên thị trường Việt Nam hiện chưa có sơn chống cháy như vậy”, bà Thủy giải trình.

Nhiều vật liệu khác, theo các doanh nghiệp, được áp dụng tiêu chuẩn cao hơn các quốc gia phát triển, đẩy chi phí tuân thủ lên gấp đôi, gấp ba.

Theo bà Thủy, đây là phần tổng hợp ý kiến từ hàng ngàn doanh nghiệp ở phía Nam đang đối mặt với nguy cơ không được hoạt động do không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Đây cũng là vấn đề mà VACC, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh.

Ông Phạm Hải Phong, đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng chờ đợi vài tháng không hoàn thiện thủ tục về phòng cháy chữa cháy. “Quy định về phòng cháy chữa cháy đang rất vướng, nhất là với các doanh nghiệp muốn xây dựng mới, mở rộng nhà xưởng”, ông Phong cho biết và gửi trực tiếp kiến nghị tới Bộ Công an.

Trước đó, trong tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ghi nhận nhiều tình thế mắc kẹt bởi các quy định tương tự. Chẳng hạn như tình trạng diện tích các khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, thậm chí đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhưng lại vượt qua chỉ tiêu đất khu công nghiệp được phân bổ trong thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025, khiến cả địa phương và doanh nghiệp cùng loay hoay. Trong số này có Bình Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Nam…

Không có nhiều thời gian chờ đợi

Có một thực tế là, nếu doanh nghiệp không vượt qua được những vướng mắc ngắn hạn, trước mắt, thì không thể có kế hoạch dài hạn được. Ông Steve Bùi, Chủ tịch Delta E&C Nhật Bản chia sẻ tại cuộc tọa đàm diễn ra ngay trước sự kiện trên, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Ông Bùi là chuyên gia về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, có văn phòng tại một số nước Đông Á, nên có thông tin về nhiều doanh nghiệp ở khu vực này. “Nhiều doanh nghiệp đang tìm hiểu thị trường Việt Nam, từ tháng 12 đến giờ, chúng tôi cũng dẫn nhiều đoàn đến Việt Nam và chưa có cam kết cụ thể nào. Doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi”, ông Bùi chia sẻ.

Đây là vấn đề mà bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đặc biệt lưu ý khi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ngay sau khi thông tin về tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường của quý I/2023 cao hơn số doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường được công bố.

Theo quan điểm của bà Thảo, khó khăn của doanh nghiệp thì chưa bao giờ hết, nhưng thời điểm này, doanh nghiệp lớn, nhỏ, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đều gửi đến rất nhiều ý kiến, kiến nghị về những rủi ro, bất cập trong thực thi chính sách, khiến niềm tin kinh doanh đang bị thử thách lớn.

“Trước kia, các kiến nghị, kêu khó chủ yếu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng giờ tôi gặp nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, họ chia sẻ chưa bao giờ bất an như vậy. Lúc này, chỉ mong các ý kiến, kiến nghị được xử lý cấp bách, có phương án giải quyết, không để nhiều kiến nghị gửi rất nhiều lần, nhiều năm, mà chưa có phương án tháo gỡ”, bà Thảo chia sẻ.

Hệ quả là, năng lực nội tại của rất nhiều doanh nghiệp đang yếu đi.

Chạm tận gốc của vấn đề, giải quyết ngay các vướng mắc

Chia sẻ với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, rất cần doanh nghiệp nói rõ tình hình khó khăn thế nào, vướng mắc nằm ở đâu, văn bản nào, luật nào, nghị định nào, thông tư nào, điều khoản nào, đề xuất sửa văn bản nào, có địa chỉ cụ thể, theo hướng nào, để có giải pháp cụ thể. Trên tinh thần là chạm tận gốc của vấn đề, giải quyết ngay các vướng mắc.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát, tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, đề xuất hướng xử lý và sẽ đôn đốc thực hiện, vì các vấn đề doanh nghiệp đề cập liên quan đến nhiều bộ, ngành. Chúng tôi cũng sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chủ động đối thoại với các doanh nghiệp; thành lập các ban chỉ đạo giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp ở địa phương… Trong tình hình hiện nay, các giải pháp tháo gỡ ngay khó khăn trước mắt được ưu tiên, còn các giải pháp dài hạn thì đã có rồi, tiếp tục thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. Doanh nghiệp mà khó khăn sẽ không có tăng trưởng, không có thu ngân sách, không có việc làm, sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội…
Tin liên quan
Tin khác