Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng. |
Sáng 9/8, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã họp Thường trực mở rộng về Dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua gần 10 năm thực hiện, Luật Phòng chống rửa tiền đã được nhiều kết quả quan trọng, song cũng đã xuất hiện những bất cập.
Từ năm 2012 đến nay, Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đã có 11 lần sửa đổi các khuyến nghị, dẫn đến việc một số quy định tại Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành không còn phù hợp với 40 khuyến nghị hiện hành của FATF, ảnh hưởng đến việc thực thi cam kết của Việt Nam, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ.
Ông Thanh cũng nhấn mạnh, FATF đánh giá việc thực thi của Việt Nam ở mức trung bình và thấp, họ cho thời hạn 12 tháng để cải thiện quy định pháp luật, nếu không sẽ đưa Việt Nam vào danh sách xám và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Chưa điều chỉnh dịch vụ tài sản ảo
Theo tờ trình được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng trình bày, Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương, 54 điều, trong đó bổ sung mới 9 điều, sửa đổi 43 điều và hủy bỏ 7 điều, giữ nguyên 2 điều.
Ông Dũng cho biết, trong quá trình xây dựng Luật, cơ quan chủ trì soạn có đề xuất bổ sung đối tượng báo cáo mới, nhưng chưa có khung pháp lý điều chỉnh là: tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và cho vay dựa trên nền tảng công nghệ…
Tuy nhiên, sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đánh giá tính khả thi, đồng thời để đảm bảo quy định tại Luật có tính bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, dự thảo Luật được điều chỉnh lại theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền.
Luật nguồn chưa có, nên mặc dù có giao dịch về tiển ảo, nhưng cơ quan chức năng không bắt bớ cũng không ngăn cấm, nội dung này lẽ ra phải sửa ở luật dân sự, ông Dũng giải thích.
Lần sửa đổi này, theo Phó Thống đốc, đã bổ sung quy định việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền. Quy định này cũng đáp ứng một phần khuyến nghị số 15 của FATF và đánh giá của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền (APG) tại báo cáo đánh giá đa phương.
Phó thống đốc cũng nêu một số quy định mới của lần sửa đổi này, như bổ sung quy định về nghĩa vụ thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia, ngành về rửa tiền.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro, theo đó dự thảo Luật quy định đối tượng báo cáo phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro nhằm giảm thiểu các rủi ro về rửa tiền đã được nhận diện và xác định tại tổ chức mình, trong đó phải có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền đối với các sản phẩm, dịch vụ mới và sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới trước khi đưa vào sử dụng; ban hành chính sách, quy trình về quản lý rủi ro.
Khó kiểm soát giao dịch bất động sản
Tại cuộc họp, các ý kiến phát biểu đều tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Phòng chống rửa tiền, song còn nhiều băn khoăn về các quy định cụ thể.
Theo chuyên gia Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khoá XIV, quy định về thu thập và xử lý thông tin là vấn đề cốt lõi, nhưng quy định như Dự thảo chưa đạt yêu cầu.
Thu thập những thông tin gì, tiêu chí ra sao để không bị lạm dụng và cũng không bị quá tải đều chưa rõ. Rồi cấp yêu cầu cung cấp thông tin là cấp nào chứ không thể chỉ là Ngân hàng Nhà nước chung chung được, phải rất rõ, ông Sinh góp ý.
Nhấn mạnh thông tin 8 năm qua không xử lý được hành vi nào theo Luật Phòng chống rửa tiền, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, sửa luật phải đáp ứng được cả yêu cầu phòng, chống tham nhũng.
Ông Cường cho rằng nếu quy định trên 100 triệu đồng bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, hay giao dịch bất động sản không được dùng tiền mặt thì sẽ dễ kiểm soát hơn.
"Như thế chỉ cần tập trung kiểm soát nguồn tiền, ông mang tiền mặt đến ngân hàng thì phải kê khai nguồn gốc tiền, bán chổi đót hay làm gì để có được thì kê khai ra là xong. Sau này nếu cơ quan chức năng thấy cần thì mới tìm thông tin đó, nếu kiểm soát bằng kê khai tự giác thì kiểm soát được ngay là có phải rửa tiền hay không", đại biểu Cường góp ý.
Ông Cường cũng nhấn mạnh, hiện nay giao dịch không dùng tiền mặt rất phổ biến, công nghệ thì tiên lợi, nếu làm được điều này thì không chỉ phòng chống rửa tiền mà còn có thể góp phần kiểm soát lạm phát. Vì thế giao dịch không dùng tiền mặt phải được quy định chặt chẽ ở dự thảo luật.
Liên quan đến giao dịch bất động sản, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đề nghị dự thảo luật nên quy định giao dịch bất động sản phải thể hiện giá trị thực trên hợp đồng và phải thanh toán qua ngân hàng.
Bày tỏ sự "tâm phục khẩu phục" với các góp ý và hứa sẽ tiếp thu giải trình đầy đủ, song Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng nêu một số khó khăn.
Chẳng hạn, khi định đưa quy định giao dịch bất động sản không được dùng tiền mặt vào Dự thảo, thì vấp phải nhiều sự phản đối cho là vi Hiến. Vì luật nguồn, tức là các luật về kinh doanh, giao dịch bất động sản không quy định vấn đề trên thì không được quy định được ở luật chuyên ngành là Luật Phòng chống rửa tiền.
Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 8/2022, Dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua ngay tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).