Chưa thể chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019
Ngày 26/7, phiên họp thứ hai về tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 đã kết thúc sau hơn 3 giờ đàm phán. Hai bên chưa thống nhất được mức tăng, nhưng giới chủ sử dụng lao động đã nâng từ 0% lên 2%, thu hẹp dần khoảng cách.
TIN LIÊN QUAN
Người lao động rút tiền lương qua cây ATM tại Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng |
Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp, ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đại diện cho người lao động cho biết, vẫn kiên định đề xuất mức tăng 8%. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 là 7,8% - cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Chỉ số CPI hiện nay cũng đang phấn đấu kìm chế ở mức 4%.
Tại phiên họp, tranh luận giữa các bên có phần gay gắt, thậm chí vẫn tiếp diễn khi các thành viên nghỉ giải lao. Hai vấn đề lớn mà Tổng Liên đoàn hết sức quan tâm là rổ hàng hóa đảm bảo đời sống tối thiểu của người lao động. Nhưng bất cập ở chỗ, trước đây rổ hàng hóa được xác định là 724.000 đồng, thì nay chỉ còn 660.000 đồng, trong khi giá cả đều tăng. Ông Phòng lý giải, từ ngày 1/7/2018, lương công chức, viên chức nâng từ 1,3 lên 1,39 triệu đồng (tăng 90.000 đồng). Trước đó 7 tháng (ngày 1/1/2018), lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp đã tăng thêm từ 180.000 – 230.000 đồng. Ông Phòng giải thích, mức đề xuất tăng 2% đã tính đến sự cân đối, đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện chất lượng việc làm cũng như tạo thêm nguồn công việc mới cho người lao động.
Thứ nữa, tỷ lệ lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm trong mức sống chung của người lao động, hiện nay Tổng Liên đoàn đang đề nghị là 45% - 55%. Sở dĩ đề nghị mức này do hầu hết người lao động là thanh niên, sống tại đô thị, nên rất cần vui chơi, giải trí… Trong khi đó, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương đề xuất mức 48% và 52%, còn giới chỉ sử dụng lao động đưa ra mức 54% và 46%.
Chủ sử dụng lao động nâng từ 0% lên 2%
Lần thương lượng này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện cho giới chủ sử dụng lao động đã chuyển từ 0% lên 2%. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: “Thay vì đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2019, trong phiên họp này, chúng tôi đã đưa ra mức 2%”.
Bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐTB&XH
Nhận xét về mức 2% mà VCCI đưa ra, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Vũ Quang Thọ cho rằng rất thấp. “Điều đầu tiên chúng ta cần quan tâm là mức trượt giá tới nay đã gần 4%. Vì thế, mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu không thể là 2% như VCCI đưa ra. Nếu chỉ tăng ở mức này, người lao động chưa thể giải quyết được bài toán chi phí sinh hoạt tối thiểu cho mình và gia đình”, ông Thọ bức xúc và cho biết, tại phiên họp này, đại diện cho Liên minh HTX đưa ra mức 4%. “Nếu 4% này cộng với 8% Tổng Liên đoàn đề xuất chia hai sẽ bằng 6% hoặc tỷ lệ tăng lương phải cao hơn mới có thể chấp nhận được”.
Theo lộ trình của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phải đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2020, vì thế, bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐTB&XH cho rằng, năm 2019 vẫn phải tăng lương tối thiểu vùng. Theo phân tích của Hội đồng tiền lương, 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh có khả quan nhưng CPI đã tiến gần sát đến mục tiêu 4% mà Quốc hội đưa ra.
Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực giữ mức CPI không tăng quá mới đảm bảo được tiền lương thực tế cho người lao động. Hơn nữa, trong bối cảnh 6 tháng cuối năm, vấn đề thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ, Mỹ với Triều Tiên và Hàn Quốc có tác động rất lớn đến tỷ giá ngoại tệ đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Điều đó ảnh hưởng lớn đến khả năng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp… Ngoài ra, những tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo khiến nhiều người lao động mất việc làm. Vì thế tăng lương thế nào để có sự tác động đến doanh nghiệp, cải thiện đời sống của người lao động và bảo đảm việc làm là bài toán không dễ.Tin liên quan
Tin khác