Ngân hàng - Bảo hiểm
Chưa thể tăng vốn cho 'Big 4' ngân hàng
Thanh Huyền - 11/11/2019 14:52
Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua chưa đưa vào nội dung tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tại phiên toàn thể Quốc hội sáng nay (11/11), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vào dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là việc hệ trọng, đang được thẩm tra, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy trình.

“Do vậy, xin chưa thể hiện nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết”, ông Thanh cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Tại báo cáo được gửi đến Quốc hội trước kỳ họp thứ 8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo, tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các ngân hàng này là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (bao gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) đạt 139 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; tổng tài sản đạt 5.081 nghìn tỷ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2018, chiếm 43,01% toàn hệ thống; cho vay thị trường 1 đạt 3.652 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống.

Tuy nhiên, việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng thương mại Nhà nước đang bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, đặc biệt là đối với Agribank và Vietinbank.

“Để tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn, đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II (phương pháp tiêu chuẩn), Ngân hàng Nhà nước đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xử lý vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thống đốc cho biết.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tập trung chỉ đạo Agribank và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về các quy định pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank và đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất việc xử lý tài chính đặc thù liên quan đến cổ phần hóa Agribank.

Mặc dù chưa thực hiện giải pháp như đề nghị của Thống đốc, nhưng nghị quyết của Quốc hội vẫn đưa ra yêu cầu liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Cụ thể, định hướng từ Quốc hội nêu yêu cầu tiếp tục triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, quyết liệt xử lý các ngân hàng yếu kém; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong quá trình xử lý nợ xấu; tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng; phát triển công nghệ ngân hàng hiện đại và thanh toán điện tử.

Cùng đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa, phấn đấu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế; phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Tin liên quan
Tin khác