Thời sự
Chưa tính đến chuyện điều chỉnh bội chi
Mạnh Bôn - 10/04/2013 16:28
Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính chưa tính đến việc kiến nghị điều chỉnh mức bội chi ngân sách.
TIN LIÊN QUAN

(Baodautu.vn) Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố tại cuộc họp báo định kỳ quý 1/2013, tổng thu ngân sách tháng 3 ước đạt 54.140 tỷ đồng; luỹ kế 3 tháng đạt 167.710 tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2012.

Bà Vũ Thị Mai

Trong đó, thu nội địa tháng 3 đạt 35.000 tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán, tăng 19% (5.400 tỷ đồng) so với tháng 2 (do tháng 2 trùng với Tết nguyên đán). Luỹ kế thu 3 tháng đạt 114.040 tỷ đồng, bằng 20,9% dự toán, xấp xỉ bằng mức thực hiện cùng kỳ năm 2012.

Thu về dầu thô tháng 3 đạt 8.200 tỷ đồng, 3 tháng đầu năm đạt 25.770 tỷ đồng, bằng 26% dự toán.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu tháng 3 đạt 14.540 tỷ đồng, tăng khoảng 540 tỷ đồng so thực hiện tháng trước; luỹ kế thu 3 tháng đầu năm đạt 41.150 tỷ đồng, bằng 17,3% dự toán.

Trong kh đó, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 3 ước 70.850 tỷ đồng; luỹ kế chi 3 tháng ước 218.385 tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2012.

“Thu ngân sách nhà nước năm nay hết sức căng thẳng. Bởi thông thường hàng năm, thu ngân sách quý 1 đạt 25 - 28% dự toán và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, còn năm nay thì giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2012. Năm nay, Bộ Tài chính xác định việc cân đối ngân sách nhà nước hết sức khó khăn. Tuy vậy, chúng tôi chưa tính đến chuyện kiến nghị điều chỉnh tăng mức bội chi vượt quá 4,8% GDP”, bà Mai khẳng định.

Để bảo đảm mức bội chi không quá 4,8% GDP theo Nghị quyết 31/2012/QH13 của Quốc hội, bà Mai cho biết, Bộ Tài chính đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tăng thu giảm chi.

“Cụ thể, chúng tôi đang triển khai 4 giải pháp lớn là tập trung sức tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh kinh doanh; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường công tác quản lý thu, tập trung chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Các địa phương phải chủ động, linh hoạt trên cơ sở phát huy nguồn lực của mình (nguồn thu liên quan đến đất đai, phí, lệ phí, xổ số kiến thiết…) và tiết kiệm chi tối đa”, bà Mai thông báo.

Liên quan đến giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh kinh doanh, bà Mai cho biết, vào ngày 17.4 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do Bộ Tài chính trình.

“Nội dung chính của Nghị quyết này là tháo gỡ khó khăn cho thị trường thông qua giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh thông qua áp dụng các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) kể từ ngày 1.7.2013 thay vì 1.1.2014”, bà Mai tiết lộ.

Cụ thể, Bộ Tài chính kiến nghị giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra từ 1.7.2013 đến hết 30.6.2014 đối với hoạt động đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 30% thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1.7.2013 đến hết 30.6.2014 đối với hoạt động đầu tư kinh doanh bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

“Chính sách này sẽ góp phần kích cầu thị trường bất động sản, qua đó kéo hàng loạt ngành hàng khác tăng trưởng”, bà Mai giải thích.

Đối với thuế TNDN, Bộ Tài chính kiến nghị áp thuế 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (sử dụng dưới 200 lao động và dưới 20 tỷ doanh thu/năm) từ 1.7.2013; áp thuế 10% đối với thu nhập từ đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội; áp dụng thuế ưu đãi đối với dự án mở rộng đầu tư từ 1.7.2013.

Mặc dù ủng hộ đề xuất áp thuế TNDN 10% (hiện là 25%) đối với cơ quan báo in, kể cả thu nhập từ hoạt động quảng cáo, song theo bà Mai, Bộ Tài chính chưa có đề xuất cho các cơ quan báo in được hưởng mức thuế suất 10% kể từ 1.7.2013 như các đối tượng cũng được hưởng ưu đãi về thuế TNDN khác mà các cơ quan báo chí vẫn phải thực hiện theo đúng Luật thuế TNDN sửa đổi.

Có nghĩa là, nếu Luật thuế TNDN sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2014 hoặc 1.7.2014 thì báo in chỉ được áp thuế 10% kể từ khi Luật thuế TNDN sửa đổi có hiệu lực.

Tin liên quan
Tin khác