2 tỷ USD giá trị xuất khẩu da giày sang Mỹ
6 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu các sản phẩm giày dép sang thị trường Mỹ đã ngang bằng giá trị xuất khẩu vào EU, với 2 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ.
Chưa cần Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và đi vào hiệu lực, những tín hiệu lớn về thị trường Mỹ rộng cửa cho sản phẩm da giày Việt Nam đã rất rõ ràng.
Những tín hiệu lớn về thị trường Mỹ rộng cửa cho sản phẩm da giày Việt Nam đã rất rõ ràng. |
Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ hai, sau Trung Quốc chiếm thị phần cung ứng sản phẩm da giày lớn nhất tại Mỹ trong năm 2014 với thị phần 13,8%.
Theo số liệu từ Văn phòng Dệt may (Bộ Thương mại Mỹø), năm 2014, kim ngạch nhập khẩu giày dép của Mỹ đạt 127 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam chiếm hơn 12% (tăng 59,5%); nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 78% (tăng hơn 23,3%).
Công ty cổ phần Công nghiệp Đông Hưng cho biết, đã có đơn đặt hàng đến hết năm 2015. Nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Công ty sang Mỹ đạt 34 triệu USD, chiếm gần 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đông Hưng.
Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, hãng sản xuất giày thể thao lớn nhất Mỹø là Nike có 3 quốc gia sản xuất chính, gồm Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia. Tuy nhiên, lượng giày sản xuất tại Việt Nam năm 2014 chiếm hơn 40% sản lượng của Nike, trong khi số giày xuất xứ từ Trung Quốc là 30% và từ Indonesia là 25%.
Sở dĩ, Nike chọn Việt Nam và không ngừng mở rộng cơ sở sản xuất tại đây là bởi tập đoàn này đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc Việt Nam sẽ tham gia đàm phán TPP, cũng như Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU.
“TPP và FTA Việt Nam - EU là hai hiệp định rất quan trọng đối với Việt Nam. Nike hy vọng, khi cả 2 hiệp định này được hoàn tất đàm phán và ký kết, các sản phẩm của Hãng sản xuất từ Việt Nam sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi xuất khẩu sang thị trường này”, đại diện Nike cho biết.
Doanh nghiệp nào được lợi?
Ông Bùi Hồng Minh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, ngành da giày Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về thị trường.
Bốn thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc (chiếm trên 80% tổng kim ngạch), đều là thị trường mà Việt Nam đã và đang đàm phán FTA.
Tại thị trường Mỹø, nhiều mặt hàng giày dép cũng chịu thuế suất khá cao, có những mặt hàng chịu thuế tới 17%, cá biệt có mặt hàng thuế suất lên tới 37% (mã hàng 6401), thì khi TPP có hiệu lực, tùy từng mã hàng, thuế sẽ được giảm về 0%, hoặc giảm theo lộ trình.
Phó chủ tịch Lefaso, ông Diệp Thành Kiệt cho rằng, gần 40% sản lượng giày của hai hãng giày lớn trên thế giới là Nike và Adidas đang được sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sản xuất giày cho hai hãng này tại Việt Nam lại chủ yếu là doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan, chứ không phải doanh nghiệp Việt Nam. Thêm vào đó, theo cam kết TPP, thị trường Mỹ đang áp dụng khá chặt chẽ những nguyên tắc về quy tắc xuất xứ. Sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác đều phải có xuất xứ nội khối mới được hưởng ưu đãi thuế suất 0%.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dù chỉ chiếm 23% về số lượng doanh nghiệp trong ngành da giày Việt Nam, nhưng chiếm đến 77% tổng giá trị xuất khẩu da giày của Việt Nam và hầu hết có tỷ lệ tự cung cấp nguyên phụ liệu rất cao. Các doanh nghiệp này đã đầu tư cả nhà máy sản xuất thành phẩm và nguyên phụ liệu. Do đó, khi TPP có hiệu lực, doanh nghiệp FDI sẽ là đối tượng hưởng thụ trực tiếp lợi ích mà TPP đem lại.
Rõ ràng, việc thực hiện cam kết TPP để được hưởng mức thuế nhập khẩu là 0% sẽ là một thách thức lớn đối với ngành da giày, điển hình là khu vực doanh nghiệp trong nước, với quy mô sản xuất nhỏ, gia công là chính và đương nhiên, doanh nghiệp FDI tiếp tục là khu vực trụ cột và được hưởng lợi ích nhiều nhất từ các FTA, sau một quá trình đầu tư dài và quy mô tại Việt Nam.