Những ai tin tưởng rằng, những bí ẩn của tương lai đã được gieo mầm từ quá khứ có lẽ sẽ gặp một chút vấn đề khi đánh giá tương lai quan hệ kinh doanh giữa Việt Nam và Mỹ. Trước đây, các quan hệ thương mại giữa hai nước rất khác nhau, nhưng trong 20 năm qua, các hợp đồng kinh doanh đã có tác động khá rõ nét tới việc phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước giai đoạn sau chiến tranh.
Một vài năm đầu sau khi hòa bình lập lại tại Việt Nam (giai đoạn 1975-1978), các công ty Mỹ gần như không biết làm cách nào để tiếp cận thị trường này. Năm 1976, các doanh nhân Mỹ đã tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh (tôi còn giữ một bản cáo bạch của Ngân hàng Citibank có nhắc tới khoản đầu tư tại Việt Nam vào năm 1976, thể hiện sự lạc quan đã có từ lâu của các chủ ngân hàng).
Pepsi là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Mỹ đặt chân vào thị trường Việt Nam |
Trước năm 1994, quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước chịu tác động từ chính sách cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam. Kết quả là, không tồn tại quan hệ kinh doanh giữa hai nước trong giai đoạn này (không có hoạt động nhập khẩu nào từ Việt Nam vào Mỹ vào năm 1993 theo số liệu thống kê chính thức).
Sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ vào tháng 2/1994, các doanh nghiệp Mỹ đáp lại một cách tích cực thông qua sự xuất hiện gần như tức thì của Coca-Cola, Pepsi và Công ty Luật Freshfields tại thị trường Việt Nam. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng được hưởng lợi, xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ tăng trưởng ngoạn mục trong giai đoạn 1994-2000. Tuy nhiên, quan hệ đầu tư không được như vậy. Minh chứng là, Tập đoàn Enron đã rất nỗ lực khi đề xuất đầu tư 5 siêu dự án tại Việt Nam, nhưng kế hoạch bất thành.
Năm 2000, Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) được ký kết đã mang lại sự thay đổi bất ngờ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 129% trong năm đầu tiên khi BTA có hiệu lực và lặp lại cả năm sau đó.
Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước đã phát triển mạnh trở lại. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam đã tăng gấp 4 lần sau khi Việt Nam là thành viên WTO.
Nhìn vào lịch sử có thể tin rằng, việc ký kết TPP sẽ có ảnh hưởng sâu rộng tới sự phát triển của Việt Nam. Thực tế, có rất nhiều lý do giúp ta tin tưởng rằng, TPP thậm chí có thể mang lại ảnh hưởng tích cực hơn.
Lợi ích ngắn và trung hạn của TPP đối với Việt Nam không đơn thuần nằm trong nội dung của Hiệp định. Đó chính là niềm tin mà văn bản lịch sử này đem lại đối với cộng đồng doanh nghiệp. Đó là “sự bừng tỉnh” bản năng săn mồi kỳ lạ “đang tạm thời ngủ yên” nơi các nhà đầu tư đối với Việt Nam. Điều này sẽ giúp hồi phục thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, giúp các ngân hàng tiếp tục phát triển và hồi phục dòng tín dụng. Từ đó, Việt Nam sẽ trở lại quỹ đạo phát triển mạnh mẽ.
Đất nước sẽ phát triển, nếu kinh doanh phát triển. TPP sẽ đem lại một lăng kính, qua đó các doanh nghiệp sẽ nhận biết sự tiến bộ có thể tới từ đâu. Nếu các doanh nghiệp cho rằng, sự tiến bộ là tương đối vững chắc, điều đó có nghĩa là cơ hội đầu tư đã tới.
Hiệp định TPP được cho là toàn diện và tiêu chuẩn cao, vì TPP bao trùm nhiều lĩnh vực, không chỉ làm gia tăng sự tự do trong thương mại hàng hóa. Những thay đổi cơ bản khác, mà TPP có thể đem lại bao gồm lĩnh vực dịch vụ càng trở nên cạnh tranh, chất lượng lao động và môi trường được cải thiện... Về thực chất, TPP có khả năng thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và đổi mới toàn diện kinh tế Việt Nam.
Một ví dụ để minh chứng chính là điều khoản trong TPP liên quan tới cải cách doanh nghiệp nhà nước, một yếu tố cần thiết giúp các công ty nước ngoài có thể cạnh tranh công bằng tại các quốc qua là thành viên TPP. Việt Nam đã rất nỗ lực trong quá trình tư nhân hóa, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, song kinh tế Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hiệu quả từ phía khu vực doanh nghiệp nhà nước. Quá trình thực hiện TPP sẽ giúp thu hẹp dần các quyền lợi được đảm bảo của các doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy sự thay đổi giúp các doanh nghiệp này phát triển đồng hành cùng TPP.