Chuẩn bị khởi công một loạt dự án FDI dệt, may
Thế Hoàng - 01/04/2015 15:58
Một loạt dự án đầu tư vào ngành sợi, dệt và may mặc do các nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài (FDI) đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi công xây dựng tại một số tỉnh miền Trung, Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vinatex vung 9.400 tỷ đầu tư 59 dự án dệt may
Vinatex “bắt tay” Itochu thực hiện chuỗi DA nguyên phụ liệu
Xây dựng KCN Texhong Hải Hà trị giá 215 triệu USD
Vốn FDI hướng vào công nghiệp chế biến, chế tạo
Nhiều dự án FDI vào ngành sợi, dệt, may sẽ được khởi công trong thời gian tới.

Mới đây, đại diện Tập đoàn Tập đoàn Delta Galil Industries, doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công và phân phối các sản phẩm may mặc tại Israel đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định về Dự án Nhà máy dệt - nhuộm – may  mà  Delta Galil đang triển khai tại xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Đinh.

Nếu thủ tục thuận lợi, Delta Galil Industries  sẽ khởi công xây dựng Dự án “Nhà máy dệt - nhuộm – may Delta Galil Việt Nam” ngay trong quý II/2015. Tại thời điểm này, dự án đã thực hiện xong quy hoạch mặt bằng nhà máy và đang thực hiện thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường... trước khi được khởi công xây dựng.

Khi đi vào vận hành, Nhà máy tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động.

Tập đoàn  Delta Galil Industries Ltd. được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy Chứng nhận đầu tư vào cuối tháng 1/2015 để thành lập Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam và thực hiện dự án “Nhà máy Dệt - Nhuộm - May Delta Galil” trên diện tích đất 18.000 m2 tại xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Cụm công nghiệp này được đầu tư bởi Tổng Công ty May Nhà Bè, một trong những doanh nghiệp quy mô lớn trong ngành dệt may trong nước.

Theo Giấy phép đầu tư, Dự án của Delta Galil Industries Ltd có tổng vốn đầu tư dự kiến 13 triệu USD, chuyên sản xuất sợi, sản xuất vải dệt thoi, hoàn thiện sản phẩm dệt, sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác, sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục), may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú), sản xuất trang phục dệt kim, đan móc.

Dự kiến, doanh thu trong các năm đầu hoạt động đầu tiên dự kiến đạt 11 triệu USD, và khi đã chạy ổn định hết công suất, dự kiến doanh thu đạt 30 triệu USD, tương đương 1,3 triệu sản phẩm/năm. 

Ông Yosef Hajaj, Giám đốc Tài chính Delta Galil Industries Ltd. cho biết, Dự án tại Bình Định được Tập đoàn quyết định đầu tư, tiếp nối thành công của các dự án khác mà Delta Galil Industries Ltd. đã đầu tư tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Delta Galil Industries Ltd. hiện là nhà sản xuất và phân phối toàn cầu các sản phẩm may mặc cho đàn ông, phụ nữ và trẻ em.

Hiện công ty là đối tác với các nhãn hiệu thời trang hàng đầu như Calvin Klein, Nike, Hugo Boss, Victoria’s Secret…Ngoài ra Delta Galill còn bán sản phẩm của mình dưới thương hiệu được cấp phép như: Wilson, Maidenform, Tommy Hilfiger...

Từ cơ sở ban đầu tại Israel, hơn 30 năm qua, Delta Galil Industries đã thành lập trung tâm thiết kế, phát triển và sản xuất chiến lược trên bốn châu lục, tuyền dụng 9.000 nhân viên trên toàn thế giới và phục vụ trên 50 khách hàng công nghiệp hàng đầu tại Mỹ và châu Âu.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), từ đầu năm 2015 đến nay, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào ngành dệt may Việt Nam vẫn đang gia tăng, nhằm đón lõng các Hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Hàn Quốc…mà ngành dệt may Việt Nam được nhận định sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do các dòng thuế sẽ giảm về 0%.

Ngay trong những ngày cuối tháng 3/2015, một số dự án FDI vào ngành dệt may tiếp tục đổ vào miền Trung và đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Nổi bật là Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất hàng may mặc Onewoo tại CCN Hà Lam, Chợ Được của do Công ty One Woo, Hàn Quốc làm chủ đầu tư với tổng vốn 6 triệu USD. Dự án đầu tư Nhà máy dệt, nhuộm, may Tam Thăng, Tam Kỳ của Công ty PanKo Tam Thăng, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD.

Cả 2 Dự án này vừa được UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy chứng nhận đầu tư trung tuần tháng 3/2015.

Riêng Công ty Poong In Vina, 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất và gia công các sản phẩm may mặc với những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Ann Taylor, C.W.C, Talbots.. cũng tiết sẽ tăng thêm 4 triệu USD để mở rộng nhà máy thứ 5 tại Bình Dương.

Theo đại diện Công ty Poong In Vina, hiện nay sản phẩm của công ty làm ra chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Việc tăng vốn đầu tư này là nhằm đón đầu cơ hội Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Kế hoạch của Pooing In Vina là xây tiếp nhà máy thứ 6 và thứ 7 trong thời gian  tới.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP May Hưng Yên nhận định, trong điều kiện doanh nghiệp nội địa chưa trường vốn để đầu tư sợi, dệt, nhuộm thì các dự án FDI vào lĩnh vực này sẽ hỗ trợ đáng kể cho ngành dệt may trong nước chủ động nguyên phụ liệu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Ở góc độ các doanh nghiệp đầu tư, thì việc đổ vốn vào thực hiện các dự án tại Việt Nam không gì khác hơn là để tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu, do năm 2015 và những năm tới hứa hẹn tiếp tục mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam do thị trường xuất khẩu lớn nhất nước ta là Mỹ, chiếm 20% tổng kim ngạch vẫn tăng trưởng tốt, và thị trường truyền thống EU, Nhật Bản, đặc biệt là cơ hội mới từ thị trường ASEAN.

Tin liên quan
Tin khác