Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,37% ngay đầu phiên nhờ các nhóm cổ phiếu đều lên điểm. Ảnh: AFP |
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mở phiên trượt khoảng 0,25% nhờ cổ phiếu “nặng ký” của tập đoàn công nghệ Softbank Group kéo lại với mức tăng 1,12%. Chỉ số Topix giảm 0,10%.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng nhẹ khoảng 0,09% sau khi cổ phiếu của nhà sản xuất chip lớn thứ 2 thế giới SK Hynix giảm 0,25%. Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,37% khi các nhóm cổ phiếu đều giao dịch lên điểm. Giao dịch thương mại tại Australia dự báo sẽ sụt giảm do thị trường nhiều bang tại nước này sẽ đóng cửa nghỉ lễ lao động.
Nhìn chung, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0,22%. Thị trường Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) hôm nay đóng cửa nghỉ lễ.
Đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung dự kiến sẽ bắt đầu ngày 10/10 tại Washington. Trước thềm đàm phán, đã xuất hiện thông tin cho rằng các quan chức Trung Quốc do dự để theo đuổi một thỏa thuận thương mại lớn với Mỹ.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng leo thang khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm cách siết hoạt động đầu tư của Mỹ vào doanh nghiệp Trung Quốc, đáng nói là việc xem xét loại các công ty niêm yết của Trung Quốc ra khỏi các sàn chứng khoán Mỹ.
Theo các nhà phân tích của công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị Eurasia Group, kết quả đàm phán thương mại tuần này có thể sẽ là điểm mấu chốt giúp xác định liệu Mỹ và Trung Quốc có thể đạt thỏa thuận thương mại tạm thời để hãm căng thẳng thương mại leo thang hay không.
Xác suất hai bên đạt được thỏa thuận tạm thời là 40%, còn khả năng ông Trump hoãn hoãn tăng thuế quan là 60%.
Mức thuế quan mà Mỹ áp dụng với 250 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 30% vào ngày 15/10 tới. Đến nay, hai nước đã áp thuế đối với hàng tỷ USD giá trị hàng hóa của nhau, làm “rung chuyển” thị trường toàn cầu và tác động xấu tới triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.
Các nhà phân tích của Eurasia Group cũng cho rằng, thỏa thuận tạm thời mà hai bên có thể đạt được sẽ bao gồm việc ông Trump hoãn tăng thuế quan và phê duyệt cấp phép cho các doanh nghiệp Mỹ thực hiện giao dịch với hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc, đổi lại Trung Quốc phải đẩy mạnh nhập nông sản Mỹ.
Nhà đầu tư khá dè dặt ra quyết định và đang theo sát các phản ứng thị trường sau khi số liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 9 - một báo cáo khái quát về thị trường việc làm Mỹ được công bố cuối tuần trước.
Tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 tại Mỹ đã xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua, trong khi số lượng lao động theo bảng lương phi nông nghiệp tăng 136.000 trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với mức 145.000 được dự báo trước đó.
Số liệu thị trường lao động Mỹ đã giúp loại bỏ phần nào mây đen phủ lên nền kinh tế Mỹ, vì các báo cáo mới đây cho thấy những tai ương do hoạt động sản xuất của Mỹ sụt giảm vẫn chưa lan rộng sang nền kinh tế nước này, bà Adelaide Timbrell, chuyên gia bộ phận nghiên cứu của Tập đoàn ANZ đánh giá.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác đã giảm từ mốc 99,6 thiết lập cuối tuần trước về mức 98,787. Đồng yên Nhật Bản tăng giá và giao dịch ở mức 106,77 JPY đổi 1 USD. Đô la Australia cũng lên giá và trao tay ở mức 1 AUD “ăn” 0,6760 USD.
Giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay sụt giảm, với dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 0,36% còn 58,16 USD/thùng còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,32% xuống còn 52,64 USD/thùng.