Thời sự
Chứng khoán châu Á trái chiều, cổ phiếu công nghệ đua nhau lao dốc
Lê Quân - 27/09/2019 11:44
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều phiên cuối tuần 27/9 khi giới đầu tư vẫn "nín thở" đợi diễn biến thương chiến Mỹ - Trung.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều phiên cuối tuần 27/9. Ảnh: AFP

Chứng khoán Trung Quốc đại lục diễn biến trái ngược lúc mở phiên, với chỉ số Shenzhen Composite trượt 0,367%, còn Shanghai Composite ngược sóng nhưng tăng điểm không đáng kể.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, lợi nhuận sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận sản xuất công nghiệp tháng 6 và 7 đều lần lượt tăng 3,1% và 2,6%.

“Đã xuất hiện áp lực, không riêng gì đối với xuất khẩu,” Sian Fenner, chuyên gia kinh tế châu Á cao cấp tại công ty Oxford Economics nhận định. “Tăng trưởng đầu tư (thị trường Trung Quốc) vẫn rất thấp và thậm chí qua theo dõi doanh thu bán lẻ, chúng tôi thấy tăng trưởng tiêu dùng cũng rất chậm”.

Trên sàn Hong Kong, chỉ số Hang Seng mất điểm 0,57%.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản bị kéo tụt 1,18% do cổ phiếu “nặng ký” tập đoàn công nghệ Softbank Group lao dốc 2,36%. Chỉ số Topix trượt sâu hơn 1,51%. Cổ phiếu của hãng công nghệ màn hình LCD Japan Display - một nhà cung ứng của Apple - tụt dốc 8% sau khi công ty này thông báo đối tác đầu tư Harvest Group (Trung Quốc) đã rút gói “cứu trợ”.

Tổng quan lại, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,38%.

Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ ngồi lại đàm phán thương mại ngày 10/10 tại Washington, D.C., ba nguồn tin thân cận của CNBC cho hay. Đoàn đàm phán Trung Quốc sẽ do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu. Thương chiến Mỹ - Trung sa lầy trong vòng xoáy thuế quan hơn một năm qua, khiến thị trường toàn cầu trao đảo và phủ mây đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu.

Cổ phiếu ngành công nghệ tại thị trường châu Á diễn biến trái ngược sau khi nhà sản xuất bộ nhớ máy tính Micron (Mỹ) công bố dự thảo báo cáo tài chính quý 1/2019 và ngay sau đó cổ phiếu Micron lao dốc 7,75%.

Cổ phiếu của công ty bán dẫn và điện tử Tokyo Electron (Nhật Bản) mất 2,32%, trong khi cổ phiếu công ty công nghệ bán dẫn Renasas tăng 1,39%. Tại Hàn Quốc, cổ phiếu Samsung Electronics trượt 1,73% còn cổ phiếu của nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ 2 thế giới - SK Hynix - trượt 3,12%. Cổ phiếu hãng chế tạo chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) lên điểm hơn 1%.

Mây đen tiếp tục bao phủ thị trường chứng khoán Mỹ phiên giao dịch ngày 26/9 do giới đầu tư vẫn e ngại về số phận chính trị của ông Donald Trump trước áp lực điều tra luận tội.

Người tố cáo Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng ông Trump đã dùng quyền lực của mình để huy động sự can thiệp từ nước ngoài trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Theo New York Times, người tố cáo ông Trump là một nhân viên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và từng có thời gian phục vụ tại Nhà Trắng.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đóng phiên giảm 0,3% còn 26.891,12 điểm. S&P 500 trượt 0,2% còn 2.977,62 điểm và nhiều khả năng sẽ ghi nhận tuần mất điểm thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite kịp hồi 0,6% để chốt phiên với 8.030,66 điểm.

Sau cú lao dốc của cổ phiếu Micron, một loạt cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn (large-cap) như Facebook, Amazon, Netflix và Alphabet đều giao dịch giảm điểm.

Chứng khoán châu Âu ngày 25/9 khởi sắc hơn nhờ kỳ vọng số liệu niềm tin tiêu dùng của Đức sẽ được cải thiện. Giới đầu tư cũng hy vọng thương chiến Mỹ - Trung sẽ có “biến” tốt sau tuyên bố ngày 25/9 của ông Trump rằng hai bên sẽ đạt thỏa thuận sớm hơn dự kiến. Chỉ số pan-European Stoxx 600 khép lại ngày giao dịch với mức tăng 0,7%, với cổ phiếu ngành tiện ích công cộng tăng 1,6% và hầu hết các ngành khác đều lên điểm.

Thị trường tiền tệ sáng nay ghi nhận chỉ số USD tăng lên 99,213 từ mốc 99,0 thiết lập phiên hôm qua 26/9. Đồng yên Nhật Bản trượt giá và quy đổi ở mức 107,76 JPY “ăn” 1 USD, so với mức 107,5 JPY/USD phiên hôm qua.

Giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay sụt giảm với giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 0,61% xuống còn 62,36 USD/thùng, còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ rớt 0,16% còn 56,32 USD/thùng.

Tin liên quan
Tin khác