Chứng khoán châu Á tăng điểm phiên sáng 9/9. Ảnh: AFP |
Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản nhích nhẹ 0,4% ngay đầu phiên, còn Topix lên điểm 0,38%. Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,3% trong quý II/2019, theo số liệu điều chỉnh được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố sáng nay. Dù mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo 1,8% trước đó, nhưng vẫn đáp ứng kỳ vọng thị trường.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0,76% nhờ sức kéo của cổ phiếu SK Hynix - nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ 2 thế giới - với mức tăng 2,08%. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giao dịch đi ngang đầu phiên.
Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0,12%.
Số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của nước này bất ngờ sụt giảm trong tháng 8, điều này cũng cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các nhà phân tích dự đoán trước đó với Reuters rằng xuất khẩu của nước này sẽ tăng 2%.
Chiến tranh thương mại kéo dài khiến xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ chậm lại. Bắc Kinh và Washington đã đánh thuế lên hàng tỷ USD hàng nhập khẩu của nhau kể từ khi thương chiến nổ ra giữa năm ngoái.
Theo các nhà phân tích, chiến tranh thương mại đã và đang tác động sâu sắc đến tăng trưởng toàn cầu và lo ngại càng gia tăng khi Mỹ dự kiến tiếp tục áp thuế bổ sung lên hàng Trung Quốc từ ngày 1/10 và ngày 15/12.
Hiện Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 6/9 tuyên bố sẽ cắt giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại. Cụ thể, PBoC sẽ cắt 50 điểm cơ bản (tức 0,5%) đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại. Mức cắt giảm 100 điểm cơ bản (1%) tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ được áp dụng đối với một số ngân hàng đủ điều kiện, trong đó có các ngân hàng thương mại nông thôn.
Theo ông Louis Kuijs, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại công ty phân tích và dự báo toàn cầu Oxford Economics, triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn còn mù mịt do tác động thuế quan của Mỹ. Mỹ ngày 1/9 kích hoạt thu thuế một loạt mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu Trung Quốc và dự kiến sẽ tiếp tục áp thuế bổ sung lên hàng Trung Quốc từ ngày 1/10.
“Các nhà hoạch định chính sách (Trung Quốc) cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nếu muốn giữ tăng trưởng kinh tế năm tới ổn định ở mức 5,7% và chúng tôi cho rằng họ có thể làm được điều này,” ông Kuijs nói.
Diễn biến thị trường việc làm tại Mỹ tác động không đáng kể tới tâm lý nhà đầu tư châu Á. Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp được công bố cuối tuần trước cho thấy thị trường lao động Mỹ có thêm 130.000 việc làm mới trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với ước tính 150.000 việc làm mới của Phố Wall.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn duy trì quanh mức 3,7%. Tăng trưởng tiền lương vẫn ổn định, với thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,4% so với tháng trước và 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau công bố báo cáo thị trường việc làm tháng 8, chứng khoán Mỹ biến động không đáng kể phiên cuối tuần trước 6/9, thậm chí ghi nhận tuần giao dịch lên điểm thứ 2 liên tiếp nhờ diễn biến tích cực của thương chiến Mỹ - Trung khi hai bên thống nhất sẽ tiếp tục đàm phán thương mại trong tháng 9 và tháng 10.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đóng phiên 6/9 với mức tăng 69,31 điểm (tương đương 0,3%) lên 26.797,46 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích nhẹ 0,1% và kết thúc phiên ở mức 2.978,71 điểm, còn Nasdaq Composite trượt 0,2% xuống còn 8.103,07 điểm.
Tính chung cả tuần, Dow Jones và S&P 500 đều tăng ít nhất 1,5%, còn Nasdaq Composite tăng mạnh hơn ở mức 1,8%.
Tâm lý nhà đầu tư cũng được cải thiện sau tín hiệu Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng này. Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 6/9 nói rằng Fed sẽ có những hành động cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế Mỹ như hiện nay và ông Powell không muốn kinh tế Mỹ rời vào suy thoái.
Thị trường tiền tệ sáng nay 9/9 ghi nhận chỉ số USD so với các đồng tiền mạnh khác trượt từ mốc 99,2 thiết lập cuối tuần trước xuống còn 98,440. Đồng yên Nhật trượt giá và giao dịch ở mức 106,91 JPY đổi 1 USD, trong khi đồng đô la Australia trao tay ở mức 1 AUD “ăn” 0,6844 USD, lên giá so với mức 1 AUD đổi 0,672 USD trong tuần trước.