Được thành lập từ năm 2007, nhưng Chứng khoán Đại Nam là một cái tên khá chìm trong làng chứng khoán Việt Nam. Sau khi F.I.T đầu tư mua cổ phần của Đại Nam thì công ty này đã có một số động thái tái cơ cấu, nhưng vẫn tỏ ra kín tiếng về những toan tính của mình. Dẫu vậy, với bóng dáng của người khổng lồ đứng đằng sau, thị trường chứng khoán đã bắt đầu chú ý nhiều đến Đại Nam.
Động thái gần đây, khi Tập đoàn F.I.T tiếp tục tung tiền mua gần 6,8 triệu cổ phần của Chứng khoán Đại Nam từ 9 cổ đông cá nhân càng khiến các đối thủ không thể không dè chừng về một thế lực mới có thể xuất hiện trong một ngày không xa. Theo đó, số cổ phần mà Tập đoàn F.I.T mua thêm lên tới 42,39% vốn tại Chứng khoán Đại Nam, nâng tỷ lệ sở hữu lên 48,8%.
. |
Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T là công ty có liên quan của một “đại gia” vốn nổi đình nổi đám trong các thương vụ mua bán, sáp nhập mấy năm gần đây, đó là Công ty cổ phần Đầu tư F.I.T (F.I.T Investment).
Theo một số văn bản gần đây về các hoạt động liên quan giữa 2 công ty này thì Tập đoàn F.I.T là công ty mẹ của F.I.T Investment. Tuy nhiên, về tỷ lệ cổ phần nắm giữ thì Tập đoàn F.I.T chỉ đang sở hữu 24,34% cổ phần tại F.I.T Investment. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong một số trường hợp, công ty mẹ không nhất thiết phải nắm trên 50% cổ phần tại công ty con, nhưng phải là công ty có những quyền lực rất lớn với công ty đó. Đó là quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng Quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó hoặc có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty. Trên thực tế, hiện tại, ông Nguyễn Văn Sang đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc tại cả 2 công ty này.
Một điều khá thú vị là, trong khi F.I.T Investment luôn thích rùm beng trong các hoạt động của mình, thì Tập đoàn F.I.T lại khá im hơi lặng tiếng. Ngay trong thương vụ mà Tập đoàn F.I.T mới mua thêm cổ phần Chứng khoán Đại Nam, thì có vẻ như họ hàng nhà F.I.T chưa muốn hé lộ những đường đi nước bước tiếp theo sau thương vụ chuyển nhượng này.
Trở lại câu chuyện của Chứng khoán Đại Nam, theo thông tin đưa ra trên trang web của công ty này, thì tầm nhìn của Chứng khoán Đại Nam là trở thành công ty chứng khoán số 1 về sản phẩm chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, ông Trịnh Quốc Vân, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Đại Nam lại không khẳng định dứt khoát nội dung trên.
Ông Vân cho biết, một trong những yêu cầu để phát triển mạnh lĩnh vực chứng khoán phái sinh là quy mô vốn phải 700 - 800 tỷ đồng, trong khi quy mô của Đại Nam vẫn thấp hơn nhiều. Hỏi về việc Đại Nam có thể tăng vốn hay không, ông Vân cho biết, điều đó còn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của thị trường.
Đến thời điểm hiện tại, quy mô vốn của Chứng khoán Đại Nam còn khá nhỏ, với vốn điều lệ là 160 tỷ đồng. Mặc dù vậy, công ty này vẫn đang là một ẩn số, bởi đại cổ đông Tập đoàn F.I.T và công ty con là F.I.T Investment luôn là những nhà đầu tư biết cách làm cho công ty mà họ đầu tư mạnh lên khá nhanh sau khi họ rót vốn.
Kết quả hoạt động của Đại Nam gần đây cho thấy những dấu hiệu tích cực. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế trong quý II/2016 của Chứng khoán Đại Nam đạt 2,25 tỷ đồng, tăng trên 10% so với kết quả lợi nhuận quý I. Lũy kế từ đầu năm 2016, Đại Nam đạt tổng lợi nhuận gần 4,9 tỷ đồng, tăng hơn 1 tỷ đồng so với kết quả hơn 3,84 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2015.
Trong khi đó, số lượng cổ phiếu mà Đại Nam đã đầu tư không hiệu quả cũng không nhiều, nếu phải bán thanh lý cắt lỗ theo giá thị trường thì cũng ảnh hưởng không lớn đến kết quả kinh doanh.
Hiện tại, Đại Nam nắm 10.880 cổ phiếu SHG (Công ty cổ phần Sông Hồng - UPCoM), giá vốn vào là 21.000 đồng/cổ phiếu và thị giá đến cuối quý II/2016 là 2.100 đồng/cổ phiếu; nắm giữ 35.000 cổ phiếu PMT (Công ty cổ phần Vật liệu Bưu điện Telvina) với giá vốn là 10.000 đồng/cổ phiếu và thị giá tại thời điểm cuối quý II/2016 là 5.100 đồng/cổ phiếu…