Tài chính - Chứng khoán
Chứng khoán hồi phục; dự kiến giao dịch T+2 từ 29/8; Bibica nhận án phạt
Thanh Thủy - 17/07/2022 08:08
Giữa tuần giao dịch tiêu cực của chứng khoán toàn cầu khi đón nhận thông tin không mấy tích cực từ các nền kinh tế lớn, VN-Index tăng 0,68% và nằm trong các sàn hồi phục tốt tuần qua.

VN-Index tăng 0,68% giữa tuần rơi sâu của thế giới

Giao dịch giằng co với các phiên tăng giảm xen kẽ, chứng khoán Việt Nam đã có một tuần khá tích cực nếu so với mặt bằng chung chứng khoán thế giới. VN-Index đóng cửa tuần giữa tháng 7 tại 1179,25, tăng 0,68% so với tuần trước.

Trong khi đó, khá nhiều sàn chứng khoán rơi sâu trong tuần qua khi số liệu lạm phát của Mỹ,dữ liệu kinh tế Trung Quốc yếu được công bố đều tiêu cực hơn dự kiến. Với mức tăng trên, chỉ số sàn HoSE đã đưa chứng khoán Việt Nam vào top 10 thị trường giao dịch tích cực tuần qua.

Tương tự, HNX-Index sau 3 phiên giảm và 2 phiên tăng đã tăng 6,60 điểm (+2,38%) về mức 284,4 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,26%.

Các cổ phiếu góp sức chính cho đà hồi phục của VN-Index tuần này là GVR, CTG, HPG, BID và một đại diện ngành bất động sản khu công nghiệp là Becamex (BCM). Trong khi đó, VCB, MSN, MWG, TCB, VHM lại kéo lùi đà tăng của chỉ số. Nếu tính riêng nhóm VN30 – rổ danh mục tập hợp các ông lớn trên, chỉ số danh mục này lại giảm tới 0,93%. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đã có tuần hồi phục khá tốt, góp phần lan tỏa sắc xanh trên diện rộng ở nhiều phiên.

Trong khi đó, trên sàn HNX, cổ phiếu IDICO (IDC) lại là trụ đỡ chính khi góp tổng cộng 1,33 điểm tăng. Một số cổ phiếu bất động sản khác như CEO, HUT, L14 hay 2 đại diện ngành chứng khoán (MBS, SHS) cũng đóng góp tích cực vào đà tăng của chỉ số chung.

Thanh khoản nhích lên, khối ngoại và tự doanh đều bán ròng

Tại phiên thứ Sáu (15/7), thị trường đã xuất hiện trở lại cổ phiếu đạt thanh khoản nghìn tỷ đồng. Cổ phiếu HPG cùng dòng cổ phiếu thép hút mạnh dòng tiền. Riêng giá trị giao dịch HPG đạt 1.096 tỷ đồng. Thanh khoản cổ phiếu “vua thép” đã hụt hơi giai đoạn gần đây khi một số phiên giảm dưới 300 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch trên ba sàn tuần này cũng có sự cải thiện đáng kể với mức bình quân phiên trên toàn thị trường đạt trên 13.500 tỷ đồng, tăng 5,2% so với tuần trước. Trong đó, trên sàn HoSe, khối lượng giao dịch bình quân đạt 553,32 triệu đơn vị/phiên, tăng 10,69% so với tuần trước, tương đương giá trị giao dịch bình quân đạt 11.547,56 triệu đơn vị/phiên, tăng 3,20% so với tuần trước. Thanh khoản sàn HNX bật lên khá mạnh với khối lượng giao dịch bình quân đạt 67,39 triệu đơn vị/phiên, tăng 14,30% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân đạt 1.328,98 triệu đơn vị/phiên, tăng 24,90% so với tuần trước.

Tuy thanh khoản có tín hiệu tích cực, dòng tiền tuần này được hỗ trợ nhiều từ nhóm nhà đầu tư cá nhân. Khối ngoại và khối tự doanh của các công ty chứng khoán đều bán ròng với giá trị lần lượt 1291 tỷ đồng và 243 tỷ đồng. Trong đó,  chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị khối ngoại bán mạnh nhất, tương đương 1/3 lượng bán ròng trên cả ba sàn (478,5 tỷ đồng)nhưng cũng được chính khối tự doanh hấp thu gần hết số nhóm nhà đầu tư ngoại bán ra.

Dự kiến giao dịch chứng khoán T+2 từ 29/8

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) tuần qua đã có văn bản gửi các thành viên lưu ký chứng khoán về việc chuẩn bị hệ thống để triển khai áp dụng việc điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán chứng khoán với chu kỳ T+2. Cụ thể, chứng khoán sẽ về tài khoản nhà đầu tư vào trưa phiên giao dịch thứ hai sau ngày mua.

VSD cho biết đang trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, phê duyệt thời gian đề xuất bắt đầu áp dụng rút ngắn thời gian thanh toán chứng khoán T+3 về T+2 từ ngày 29/8. VSD cũng dự kiến thời gian hỗ trợ từ ngày 1/8 đến 26/8. Thành viên lưu ký cần gửi công văn về kế hoạch đăng ký kiểm thử cho VSD trước ngày 29/7.

Vi phạm công bố thông tin, kê thiếu giao dịch với bên liên quan, Bibica chịu phạt 145 triệu đồng

Đầu tuần, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quyết định số 206/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Bibica do hai vi phạm với tổng mức phạt hành chính 145 triệu đồng.

Trong đó, Bibica chịu phạt tiền 85 triệu đồng do không công trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và HoSE về ký hợp đồng kiểm toán 2020. Công ty cũng không công bố trên hệ thống CBTT của UBCKNN và công bố không đúng thời hạn trên trang thông tin điện tử của HoSE các tài liệu gồm giải trình LNST quý II/2020; giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính năm 2020 riêng và hợp nhất đã được kiểm toán, thư mời và tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, giải trình chênh lệch LNST từ 5% trở lên trước và sau soát xét tại BCTC bán niên 2021 hợp nhất, giải trình thay đổi LNST từ 10% trở lên tại BCTC bán niên riêng và hợp nhất 2021, CBTT về ký hợp đồng kiểm toán 2021, cùng các nghị quyết hội đồng quản trị (số 200630/2020/NQ-HĐQT; số 210107/2021/NQ-HĐQT).

Công ty còn chịu phạt tiền 60 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ nội dung tại báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2020, 6 tháng cuối năm 2020, 6 tháng đầu năm 2021 và năm 2021.

Các nội dung còn thiếu gồm các giao dịch giữa công ty với người có liên quan của công ty như Bibica Miền Đông, Bibica Miền Tây, Bibica Hà Nội, Công ty cổ phần Thực phẩm PAN,... và trình bày không đầy đủ chính xác về các thông tin cuộc họp ĐHĐCĐ trong kỳ báo cáo năm 2020; báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2020, 6 tháng cuối năm 2020 không trình bày thông tin đầy đủ về cuộc họp HĐQT đảm bảo họp mỗi quý một lần theo quy định.

Tin liên quan
Tin khác