Lợi nhuận giảm 54% từ mức nền cơ sở cao
Công ty cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (TVS) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý IV/2022 ghi nhận sự thu hẹp đáng kể quy mô lợi nhuận. Doanh thu hoạt động đạt 210 tỷ đồng, giảm 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu lớn nhất đến từ hoạt động tự doanh. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ tiếp tục đóng góp tỷ trọng nhiều nhất trong tổng doanh thu, mang về hơn 149 tỷ đồng quý IV. Nguồn thu lớn thứ hai của TVS là lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (32 tỷ đồng). Hoạt động môi giới tăng mạnh so với mức nền cơ sở thấp cùng kỳ, nhưng chỉ mang về 12,6 tỷ đồng doanh thu.
Trong khi quy mô doanh thu co hẹp, chi phí hoạt động kỳ này lại tăng tới 72,3%. Bà Nguyễn Thanh Thảo, Tổng giám đốc Chứng khoán Thiên Việt cho biết chi phí quản lý ủy thác danh mục đầu tư tự doanh và chi phí từ thiện cho hoạt động phòng chống đại dịch Covid-19 tăng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý IV giảm mạnh.
Trái với sự đi lùi của quý IV, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của công ty lại tăng trưởng mạnh so với mức nền thấp cùng kỳ. Cả năm 2021, doanh thu công ty mẹ Chứng khoán Thiên Việt đạt 860 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước. Dù chi phí tăng, lợi nhuận sau thuế cả năm của công ty chứng khoán này vẫn tăng 78%, đạt hơn 396 tỷ đồng. Con số này cao hơn 58% so với kế hoạch đề ra đầu năm (251 tỷ đồng).
Lợi nhuận quý IV của Chứng khoán Thiên Việt giảm mạnh. |
Hơn nửa tài sản là tiền gửi ngân hàng, đầu tư thêm 32 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư 315
Quy mô tài sản của Chứng khoán Thiên Việt cũng mở rộng khá nhanh, từ 3.612 tỷ đồng lên 4.420 tỷ đồng. Khá đặc biệt khi hơn nửa tài sản của công ty chứng khoán này đang nằm ở các khoản tiền gửi kỳ hạn ngân hàng. Tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng tăng gấp đôi từ 125 tỷ đồng lên 309,5 tỷ đồng. Trong khi đó, với các kỳ hạn dài hơn, Chứng khoán Thiên Việt đang để gần 2.567 tỷ đồng tiền gửi ở kỳ hạn 4-15 tháng. Trong đó, hơn 2.300 tỷ đồng trong số trên được sử dụng để làm đảm bảo cho các khoản vay. Cách đây một năm, công ty có 2.370 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 12-13 tháng, bao gồm 2.111 tỷ đồng tiền gửi sử dụng để làm tài sản đảm bảo.
Nguồn vốn vay ngân hàng cũng đóng góp đáng kể trong cơ cấu nguồn vốn của công ty. Tại thời điểm 31/12/2021, công ty đang vay ngắn hạn tại các ngân hàng xấp xỉ 2.603 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm trước.
Ngoài phần lớn tài sản dưới dạng tiền gửi, năm qua, Chứng khoán Thiên Việt cũng gia tăng các khoản cho vay/ ứng trước tiền bán với khách hàng từ 183 tỷ đồng cuối năm trước lên 409 tỷ đồng năm nay.
Giá trị đầu tư vào các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ không thay đổi nhiều, đạt 606 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2021. Các tài sản này đều là cổ phần của các công ty chưa niêm yết. Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất là vào Finhay Việt Nam – một startup trong lĩnh vực tài chính công nghệ (fintech). Hơn 26,5 tỷ đồng đã được giải ngân thêm vào đây năm qua, nâng giá trị sổ sách của khoản đầu tư này lên 37,5 tỷ đồng. Trong năm nay, Chứng khoán Thiên Việt đã đầu tư thêm 32 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư 315.
Chứng khoán Thiên Việt cũng đầu tư vào CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) - đơn vị sở hữu ứng dụng Momo với giá trị đầu tư (27,85 tỷ đồng). Tháng 12/2021, M_Service công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E). Công ty đã nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu bao gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora anagement. Vòng gọi vốn lần này được dẫn dắt bởi Mizuho – Ngân hàng toàn cầu Nhật Bản.
Dù không công bố cụ thể, giá trị Momo được khẳng định đã vượt mức 2 tỷ USD, tính theo giá trị của thương vụ này. Tương đương, một cổ phiếu Momo ước tính có giá khoảng 2,5-2,8 triệu đồng. Chứng khoán Thiên Việt sở hữu hơn 918.000 cổ phiếu phổ thông, tương đương gần 6% cổ phần, tương đương giá trị mua vào chỉ khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phần của Momo đã được định giá tăng vọt nhưng doanh nghiệp này hiện chưa giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung. Chứng khoán Thiên Việt do vậy cũng không thể định giá lại giá trị khoản đầu tư này theo giá trị thị trường (mark to market). Kết quả kinh doanh của công ty cũng không hưởng lợi trừ khi hiện thực hóa lợi nhuận khoản đầu tư này.
Giá cổ phiếu TVS cũng vừa đi qua một đợt sóng vì thông tin tích cực trên. Từ mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu cách đây gần 2 tháng, cổ phiếu TVS có thời điểm giao dịch ở mức 67.000 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, phía sau đỉnh parabol cùng xu hướng giảm chung của thị trường, giá cổ phiếu TVS lại trở về sát ngưỡng cũ và hiện đang giao dịch ở mức 46.800 đồng/cổ phiếu.