Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HoSE: ORS) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vào ngày 11/3 nhằm thông qua tờ trình về kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận, phương án chào bán trái phiếu với tổng mệnh giá khoảng 3.000 tỷ đồng…
Về phương án chào bán trái phiếu với tổng mệnh giá khoảng 3.000 tỷ đồng, Chứng khoán Tiên Phong sẽ sử dụng nguồn vốn thu được cho hai mục đích chính.
Thứ nhất, nâng cao năng lực tài chính, nguồn vốn của công ty để thực hiện các nghiệp vụ tự doanh, tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán và/hoặc các nghiệp vụ, hoạt động kinh doanh khác.
Thứ hai, thực hiện đầu tư vốn dưới hình thức khác để phát triển quy mô hoạt động của công ty.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có hoặc không có tài sản bảo đảm/biện pháp bảo đảm, với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm, tính lãi định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần cùng mức lãi suất chưa được ấn định.
Một số chỉ số tài chính giai đoạn 2019- 2021 của TPS (Nguồn: BCTN TPS). |
Năm ngoái, TPS ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 245% so với năm liền kề trước đó, đạt hơn 1.300 tỷ đồng.
Công ty báo lãi ròng gần 211 tỷ đồng, tương ứng tăng 136% và xóa được khoản luỹ kế gần 39,5 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của TPS tăng gần 117%, lên hơn 4.760 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu tăng 126%, lên 2.172 tỷ đồng.
Dịch vụ ngân hàng đầu tư chiếm 47,6% trong cơ cấu doanh thu năm vừa qua của TPS, theo sau đó là hoạt động tự doanh chiếm 26,5%, nghiệp vụ lưu ký chiếm 13,5%.
Cụ thể, dịch vụ ngân hàng đầu tư bao gồm nghiệp vụ bảo bãnh, đại lý phát hành phát hành chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán và tư vấn tài chính.
Trong khi đó, hoạt động tự doanh bao gồm các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM).
Diễn biến giá cổ phiếu ORS từ tháng 11/2021 đến nay (Nguồn: TV). |
Về chi phí hoạt động, do hoạt động tự doanh và cho vay ký quỹ của doanh nghiệp này bắt đầu hoạt động lại từ năm 2020 và được đẩy mạnh trong năm 2021, kéo theo các chi phí hoạt động liên quan đến hai mảng vừa nêu tăng mạnh (chi phí hoạt động tăng 285%, chi phí quản lý cũng tăng 133% so với năm 2020).
Ngoài ra, năm vừa qua, TPS phát hành thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu khiến chi phí tài chính cả năm phát sinh gần 179 tỷ đồng.
Năm 2021, công ty này tăng vốn điều lệ gấp đôi, lên 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên quy mô vốn hiện tại được HĐQT công ty đánh giá là “vẫn còn khá nhỏ so với mặt bằng chung của các công ty chứng khoán trên thị trường”.
Vì vậy, trong năm nay, HĐQT TPS đề ra chiến lược tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng.
Theo đó, số lượng cổ phiếu phát hành thêm là 300 triệu cổ phiếu, thông qua các phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu dự kiến là 200 triệu cổ phiếu (giá từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/cổ phiếu) và phần còn lại chào bán cổ phiếu riêng lẻ (giá từ 15.000 đồng đến 17.500 đồng/cổ phiếu).
Đồng thời, công ty sẽ phát hành thêm 3.000 tỷ đồng trái phiếu như đã nêu trên.
Theo Báo cáo của Ban giám đốc công ty, TPS đã vươn lên đứng thứ 2 về thị phần môi giới trái phiếu trên HOSE năm 2021, tăng 4 hạng so với năm 2020 với tổng thị phần tăng vọt từ mức 2,62% năm 2020 lên mức 19,01% năm 2021.
Năm nay, công ty này dự tính trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu tăng 45,7%, tương ứng đạt hơn 1.980 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng gần 85%, ước đạt 500 tỷ đồng.