Hai chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component của Trung Quốc đều ngập sắc đỏ trong phiên giao dịch 28/11. Ảnh: AFP |
Chỉ số Hang Seng (HSI) của Hong Kong lao dốc 4,2% ngay đầu phiên giao dịch 28/11. Dù đà suy giảm đã chậm lại, nhưng kết quả cập nhật gần đây nhất cho thấy chỉ số này vẫn giảm hơn 2%.
Tương tự, Hang Seng China Enterprises Index, một chỉ số quan trọng theo dõi tình hình cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đại lục niêm yết tại Hong Kong, cũng giảm 2%.
Tại thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite tuột mất 2,2% trong thời gian ngắn, trước khi rút ngắn mức giảm về còn 0,9% so với lúc đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước. Trong khi đó, chỉ số Shenzhen Component giảm 1,1%.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng trượt giá so với đồng đô la Mỹ. Đồng nhân dân tệ giao dịch nội địa rớt giá 0,9% so với đồng đô la Mỹ và kết quả cập nhật trưa ngày 28/11 cho thấy đồng nhân dân tệ trượt giá 0,6% còn 7,206 CNY đổi 1 USD. Tỷ giá nhân dân tệ/đô la Mỹ ở hải ngoại cũng giảm 0,3% về mức 7,212 CNY đổi 1 USD.
Ông Stephen Innes, đối tác cấp cao tại Quỹ quản lý tài sản SPI Asset Management, nhận định đồng nhân dân tệ lao dốc cho thấy "các nhà đầu tư đang lạnh nhạt với thị trường Trung Quốc", đồng thời cho rằng thị trường tiền tệ có thể là "nhiệt kế đơn giản nhất" để đo lường phản ứng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đài CNBC, thị trường chứng khoán lao dốc sau khi các cuộc tụ tập đông người nổ ra ở Trung Quốc nhằm phản đối với chính sách Zero-Covid nghiêm ngặt và ngày càng tốn kém của đất nước tỷ dân.
Tại các thành phố lớn nhất của Trung Quốc, từ trung tâm tài chính Thượng Hải đến thủ đô Bắc Kinh, cuối tuần qua người dân đã tụ tập để tưởng nhớ những người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn ở Tân Cương, đồng thời lên tiếng phản đối chính sách Zero-Covid.
Thị trường chứng khoán châu Á cũng khởi động tuần giao dịch trong sắc đỏ, với chỉ số Kospi của Hàn Quốc để mất 1%, còn chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,6% và chỉ số S&P/ASX 200 của Australia trượt 0,3%.
Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ - một tín hiệu cho thấy thị trường châu Á sẽ biến động ra sao khi mở cửa - đã sụt giảm, với hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones rớt 0,5%, tương đương 171 điểm. Tương tự, hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 giảm 0,7% và hợp đồng tương lai chỉ số Nasdaq giảm 0,8%.
Giá dầu cũng giảm mạnh khi nhà đầu tư lo ngại số ca nhiễm Covid-19 gia tăng có thể kéo giảm nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc - một trong những nước tiêu thụ dầu nhiều dầu mỏ nhất thế giới. Giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ trượt 2,7% xuống còn 74,19 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giảm 2,6% về mức 81,5 USD/thùng.
Ông Stephen Innes từ Quỹ quản lý tài sản SPI Asset Management cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang bị cuốn vào cuộc giằng co giữa các nền tảng kinh tế đang suy yếu và hy vọng mở cửa trở lại ngày càng tăng.
"Đối với các cơ quan chính thức của Trung Quốc, không có con đường dễ dàng nào. Việc đẩy nhanh các kế hoạch mở cửa trở lại khi số ca nhiễm Covid mới đang gia tăng là điều khó xảy ra do tỷ lệ tiêm phòng ở người cao tuổi còn thấp", ông Stephen Innes nói.