Chỉ số Shenzhen Component lặn sâu 5,31% xuống 12.935,70 điểm trong phiên giao dịch 24/7. Ảnh: AFP |
Dù đà giảm có phần nguôi, nhưng không cứu Shanghai Composite khỏi phiên đỏ lửa khi chỉ số này mất tới 3,86% còn 3.196,77 điểm trong phiên giao dịch 24/7. Trong khi đó, chỉ số Shenzhen Composite trượt dốc 5% về 2.138,36 diểm, còn Shenzhen Component lặn sâu 5,31% xuống 12.935,70 điểm.
Đồng nhân dân tệ, được ví như “nhiệt kế” đo căng thẳng Mỹ-Trung, hôm nay khép lại tuần giao dịch tồi tệ nhất trong 2 tháng qua, theo Reuters. Đồng nhân dân tệ giao dịch hải ngoại đóng cửa ở mức 7,0224 CNY đổi 1 USD, trong khi tỷ giá ở thị trường đại lục là 7,0166 CNY/USD.
Sắc đỏ cũng bao trùm thị trường chứng khoán Hong Kong, với chỉ số Hang Seng chiều nay giảm 2,51%. Cổ phiếu công nghệ đồng loạt đỏ lửa trên sàn Hong Kong, với cổ phiếu Tencent trượt dốc 5,57%, còn cổ phiếu Alibaba giảm 3,16%.
Căng thẳng Mỹ - Trung là tâm điểm chú ý trên thị trường châu Á tuần này. Trung Quốc hôm nay tuyên bố đã yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán ở thành phố Thành Đô, một động thái đáp trả sau khi Mỹ buộc Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán tại Houston.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong một bài phát biểu hôm 23/7. Ông Pompeo khẳng định Washington sẽ không dung túng cho việc Bắc Kinh tìm cách đoạt lấy trật tự toàn cầu.
“Xung đột Mỹ - Trung hiện nay càng đẩy thị trường chứng khoán châu Á vào vùng tiêu cực sẵn có. Đà giảm của thị trường châu Á hôm nay theo chân phiên sụt giảm 1,2% -1,3% của Phố Wall”, Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược của Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) lập luận.
Bình luận về phản ứng của Trung Quốc sau động thái của Mỹ, ông Varathan cho rằng Trung Quốc có khả năng sẽ cố giữ ổn định thị trường tiền tệ và chứng khoán.
Chuyên gia này kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ gia tăng ổn định của nhân dân tệ, đồng thời thực hiện các chính sách cần thiết để tạo phao cứu sinh cho thị trường vốn, giúp gia tăng tài sản và tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp đầu ngành tiếp cận vốn để cạnh tranh với Mỹ.
Đà giảm điểm chiều nay cũng lan rộng sang nhiều thị trường chứng khoán khác ở châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia mất 1,16% và đóng cửa ở mức 6.024,00 do cố phiếu nhóm tài chính và dầu khí trượt sâu. Trong khi đó, đà giảm trên thị trường Hàn Quốc được thu hẹp so với khu vực, với chỉ số Kospi giảm 0,71% còn 2.200,44 điểm.
Thị trường Nhật Bản hôm nay vẫn đóng cửa nghỉ lễ. Tính chung lại, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) trượt sâu 1,89%.
Chứng khoán Mỹ đêm qua chứng kiến làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ sau khi số người thất nghiệp tăng cao hơn dự báo. Cổ phiếu Apple và Microsoft lần lượt mất 4,5% và 4,3%, đẩy thị trường Mỹ lún sâu. Cổ phiếu Apple trượt dốc sau thông tin nhiều bang của Mỹ đang điều tra khả năng hãng này vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng. Apple cũng đang đối mặt với sự giám sát chống độc quyền ở Mỹ và nước ngoài. CEO của Apple sẽ phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ đầu tuần tới, cùng đại diện các hãng công nghệ lớn khác.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đêm qua “bay hơi” 353,51 điểm, tương đương 1,3%, còn 26.652,33, trong khi chỉ số S&P 500 đứt chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp và quay đầu giảm 1,2% về 3.235,66 điểm. Nasdaq Composite chốt phiên với 10.461,42 điểm, giảm 2,2%.
Mỹ ghi nhận 1,416 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, cao hơn con số 1,3 triệu được dự báo. Con số này cũng đánh dấu tuần thứ 18 liên tiếp có số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trên 1 triệu.
Thị trường tiền tệ hôm nay tiếp tục chứng kiến đồng bạc xanh suy yếu. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác rớt từ mức 95 thiết lập hôm qua xuống 94,611. Đồng yên Nhật Bản giao dịch ổn định 106,25 JPY/USD, nằm trong biên độ giao động thường thấy trong tuần, từ 106-107 JPY/USD, còn đô la Australia trượt giá nhẹ về mức 1 AUD/0,7077 USD.
Giá dầu tại thị trường châu Á chiều nay đi xuống. Dầu thô Brent giao kỳ hạn trượt giá 0,58% xuống 43,05 USD/thùng, còn giá dầu thô Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,72% về 40,78 USD/thùng.