Đây là đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM-HOSE (20/07/2000-20/07/2020), được tổ chức sáng nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra yêu cầu, ngay trong năm nay cần phải ban hành đồng bộ hệ thống Nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tiến tới nghiên cứu sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng và các Luật, Nghị định liên quan khác trong những năm tiếp theo.
Yêu cầu đặt ra với hệ thống văn bản pháp quy sắp tới phải thực sự có tinh thần đổi mới, có tầm nhìn trung và dài hạn, tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi và cơ hội công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đã có 1.600 doanh nghiệp niêm yết
Đến dự Lễ kỷ niệm sáng nay, ngoài Thủ tướng Chính phủ còn có Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội và TP.HCM, ông Lê Văn Châu, Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban chứng khoán Nhà nước,…
Với vai trò là “cửa sổ” hội nhập thị trường tài chính với thị trường quốc tế, việc xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán từng bước trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho phát triển kinh tế là một chủ trương xuyên suốt và kiên định của Việt Nam trong suốt quá trình “Đổi mới”.
Đó là, mở rộng việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu, xúc tiến chuẩn bị về thể chế, các điều kiện cần thiết để thực hiện tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán, đảm bảo hoạt động thông suốt và lành mạnh cho thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và HOSE (Ảnh: Phan Hằng). |
Sau 20 năm phát triển, từ một Trung tâm giao dịch chứng khoán với 2 doanh nghiệp niêm yết, đến nay, con số này là hơn 1.600, đăng ký giao dịch với giá trị vốn hoá 4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP.
Trong đó, HOSE khẳng định vị trí khơi nguồn và đầu tàu, tập trung niêm yết hầu hết các doanh nghiệp lớn. Đồng thời, phát triển mạnh thị trường trái phiếu Chính phủ, thị trường chứng khoán phái sinh.
Trong 10 năm gần đây, tổng số vốn huy động qua thị trường chứng khoán đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng, tương đương 14% tổng mức đầu tư toàn xã hội, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn của hệ thống tín dụng ngân hàng.
Mặc dù còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức nhưng nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của kinh tế.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra với thị trường chứng khoán sau 20 năm hoạt động cần có sự phát triển về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn với hệ thống tín dụng ngân hàng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành chứng khoán cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam sớm nâng hạng thành thị trường mới nổi, có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao, mang tầm vóc khu vực, toàn cầu.
Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam thành nước công nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững trong 15-20 năm tới, tầm nhìn tới 2045.
07 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện
Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán và các bộ, ngành địa phương, tập trung thực hiện 07 nhiệm vụ.
Thứ nhất, cần có tư duy đột phá và hành động quyết liệt trong việc sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thực hiện việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính - tiền tệ nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Ngay trong năm nay cần phải ban hành đồng bộ hệ thống Nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tiến tới nghiên cứu sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng và các Luật, Nghị định liên quan khác trong những năm tiếp theo.
Yêu cầu đặt ra với hệ thống văn bản pháp quy sắp tới phải thực sự có tinh thần đổi mới, có tầm nhìn trung và dài hạn, tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi và cơ hội công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thứ hai, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cùng các Bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự phát triển nhịp nhàng, đồng bộ các thị trường.
Trong đó có thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ và thị trường bảo hiểm, nhằm hướng tới một cơ cấu các thị trường hoàn chỉnh để phát huy sức mạnh tổng hợp trong huy động các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Các nhà đầu tư trao đổi tại ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu GEG- Công ty cổ phần điện Gia Lai (Ảnh: Lê Toàn). |
Thứ ba, thực hiện các giải pháp nhằm phát triển nhanh quy mô và chất lượng của thị trường chứng khoán như đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước và gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán,…
Thứ tư, cần sớm hoàn thiện cơ cấu tổ chức thị trường chứng khoán, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật cho thị trường an toàn, ổn định, bên vững, chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức hệ thống giao dịch phù hợp đối với cổ phiếu, trái phiếu, các sản phẩm khác, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thứ năm, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán.
Thứ sáu, tập trung đổi mới một cách cơ bản hệ thống công nghệ thông tin và ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghệ 4.0 vào phục vụ hiệu quả cho giao dịch, thanh toán, giám sát các dịch vụ tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như sớm nghiên cứu, triển khai thực hiện số hoá tài sản giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Thứ bảy, chủ động hội nhập thị trường chứng khoán vào thị trường tài chính khu vực và quốc tế, bảo đảm tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất.
Từ đó, phấn đấu sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi và trở thành điểm đến tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, trong khu vực.