Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới. Ảnh: Đức Thanh |
Không còn là một thị trường nhỏ
Đến thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam là nơi niêm yết của 729 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cùng 878 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Với hàng ngàn doanh nghiệp mà hiếm ai có thể kể tên rành rọt toàn bộ mã chứng khoán, khó hình dung rằng, chỉ vỏn vẹn có 2 doanh nghiệp tiên phong bước chân lên sàn ở thời điểm cách đây 24 năm.
Từ khoảng 15 doanh nghiệp trong danh sách chuẩn bị, nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp gật đầu đồng ý. Thậm chí ngày đó, theo TS. Lê Văn Châu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, đã có kiến nghị không mở thị trường, vì quá ít mã cổ phiếu.
Tròn 24 năm khi Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM (tiền thân của HOSE) khai trương (ngày 20/7/2000), đến nay, quy mô thị trường có bước tiến vượt bậc. Không chỉ ở số lượng doanh nghiệp, tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch xấp xỉ 2,18 triệu tỷ đồng, tương đương 21,3% GDP ước tính năm 2023. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đến cuối cuối quý II/2024 đạt 7,1 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2023 và tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023. Riêng xét về giá trị giao dịch mỗi phiên trên 3 sàn, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam gần như đứng nhất nhì tại Đông Nam Á.
Ở tuổi 24, chứng khoán Việt Nam có thời gian hoạt động khiêm tốn so với nhiều quốc gia, nhưng đến nay không còn là một thị trường nhỏ. Đánh giá về thị trường ở thời điểm hiện tại, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho rằng, với độ lớn đạt được, chứng khoán Việt Nam giống như người mặc chiếc áo đã chật và cần bước tiến mới. Với các con số cụ thể tại Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, cùng chương trình hành động của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước được xây dựng sau đó, rất nhiều mục tiêu quan trọng được đề ra cho cột mốc tuổi 25.
Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản. Thị trường chứng khoán cần hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán trong năm 2025. Ngay sau khi Chiến lược được ban hành, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi được giới đầu tư quan tâm hàng đầu.
Cần “catalyst” mới và thú vị
Chia sẻ tại buổi Đối thoại tổ chức mới đây, ông Dominic Scriven, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch điều hành Dragon Capital không khỏi băn khoăn trước các nghịch lý: khối ngoại bán ròng 4 tỷ USD trong 4 năm trở lại đây, riêng nửa đầu năm nay bán ra hơn 2 tỷ USD; trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn rất nhiệt huyết, thậm chí lập kỷ lục về số vốn thực hiện 6 tháng đầu năm 2024.
Hay như việc, khi đặt vấn đề kết nối vốn, Việt Nam được giới đầu tư biết nhiều hơn trước đây, vì là nơi họ từng nghe hay đặt chân đến du lịch. Tuy vậy, cảm giác của người đứng đầu Dragon Capital lại là Việt Nam không có thêm yếu tố mới hay những yếu tố thú vị để thu hút sự quan tâm. Nhà đầu tư có thể biết đến Việt Nam, nhưng vẫn thiếu các yếu tố được coi là catalyst hay chất xúc tác để lựa chọn quyết định giải ngân.
Một trong những động lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường hiện nay cũng chính là hành động của cơ quan quản lý cùng các thành viên thị trường trong nỗ lực để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường. Dù chưa thể gây bất ngờ trong Báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của MSCI hồi tháng 6/ 2024, chứng khoán Việt Nam đã cải thiện được một tiêu chí mà tổ chức này đưa ra. Theo bà Vũ Thị Chân Phương, điều này có được cũng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan, cùng sự tham gia của các thành viên thị trường.
Bản dự thảo mới đối với Thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin đi kèm lưu đồ thanh toán mới đã được công bố. Ở lộ trình tiếp theo, bà Phương cho biết, Bộ Tài chính sẽ tổ chức hội nghị tại Singapore vào cuối tháng 7, lấy ý kiến nhà đầu tư lần cuối trước khi ký ban hành.
Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách luật và kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI, FTSE Rusell thường sẽ cần 6 tháng để rà soát lại khối lượng giao dịch, sau đó quyết định. Với tiến độ hiện tại, ông Hải cho rằng, việc được chấp thuận nâng hạng nhanh có thể đạt được vào quý I/2025, chậm hơn vào quý III/2025. Phía SSI tự tin rằng, có thể đáp ứng các yêu cầu giải pháp hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, nếu FSTE nâng hạng cho thị trường Việt Nam trong năm 2025.
Tháng 7/2024, ngành chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều sự kiện đặc biệt: Kỷ niệm 26 năm ra đời Nghị định số 48/1998/NĐ-CP của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán; 24 năm ngày thành lập Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (20/7/2000) và 24 năm ngày diễn ra phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên (28/7/2000).
Để kỷ niệm các sự kiện trên, đồng thời tạo lập diễn đàn nhận diện những động lực mới và cơ hội mới của thị trường chứng khoán, ngày 23/7/2024, Báo Đầu tư tổ chức tọa đàm: Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới. Chương trình cũng được phát trực tuyến trên các ấn phẩm và nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube) thuộc hệ thống Báo Đầu tư.
Buổi Tọa đàm có sự tham gia của ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước; ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh Bắc (KBC); bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán SSI và bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS).