Nhận định về xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) cho rằng, chuỗi cung ứng đang dần được rút ngắn, mang tính khu vực rõ ràng hơn và đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, tận dụng cơ hội.
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia). |
Khi Covid-19 bùng phát, các nhà lãnh đạo và chuyên gia nói nhiều đến việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đang diễn ra theo chiều hướng nào, thưa ông?
Dịch bệnh xảy đến và kéo dài suốt thời gian qua, có thời điểm làm tắc nghẽn giao thương, nên nguồn cung nguyên liệu bị ảnh hưởng, khiến nhiều quốc gia giật mình nhận thấy, họ đang phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung từ Trung Quốc.
Với vai trò là “công xưởng của thế giới”, Trung Quốc là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị, nơi gia công hàng hóa cho doanh nghiệp của rất nhiều nước.
Thực ra, đa dạng hóa nguồn cung là xu hướng tất yếu, được hình thành từ lâu. Nhưng hiện nay, khi thương mại toàn cầu chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, thì việc tái cấu trúc, dịch chuyển chuỗi cung ứng càng trở nên rõ ràng và cấp thiết. Để có được chuỗi cung ứng khác song hành cùng chuỗi cung ứng Trung Quốc, nhiều quốc gia đã có những động thái của mình.
Theo đánh giá chung, việc tạo chuỗi cung ứng khác không dễ có được trong một sớm một chiều, bởi chuỗi cung ứng Trung Quốc vẫn chiếm nhiều ưu thế và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đã xuất hiện những điểm khá quan trọng liên quan đến xu hướng dịch chuyển chuỗi này.
Những điểm quan trọng liên quan đến xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng đó là gì?
Theo tôi, có 4 điểm quan trọng liên quan đến xu hướng dịch chuyển chuỗi hiện nay.
Thứ nhất, các quốc gia sẽ rút ngắn dần các chuỗi, kéo sản xuất trở về nước mình. Có thể thấy rất rõ xu hướng này khi Mỹ thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để kéo doanh nghiệp đã đầu tư ra nước ngoài trở về đầu tư trong nước, nhằm củng cố chuỗi cung ứng trong một số ngành cần thiết như công nghệ.
Thứ hai, xu hướng khu vực hóa trong dịch chuyển chuỗi. Ở đây, không phải là toàn cầu hóa nữa, mà các chuỗi sẽ ngắn dần lại, chuyển về khu vực nhiều hơn.
Thứ ba, một số chuỗi cụ thể sẽ tiếp tục được đa dạng hóa hơn.
Thứ tư, nhân rộng, nhân nhanh chuỗi dựa trên các sản phẩm của công nghệ.
Cả 4 xu hướng trên đều dẫn đến một điều là, FDI toàn cầu có thể giảm, đi kèm với đó là ODA toàn cầu cũng có thể giảm.
Không chỉ là tái cấu trúc chuỗi cung ứng, dịch bệnh đã và đang tạo ra những xu hướng nào cần phải đặc biệt lưu ý trong hoạt động đầu tư, thương mại với một nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu như Việt Nam, thưa ông?
Covid-19 không phải là câu chuyện ngắn hạn, mà nó có thể dẫn đến các xu hướng dài hạn hơn, đồng thời đẩy nhanh các xu hướng đã hình thành trước đây.
Trước tiên là xu hướng suy giảm kinh tế và suy giảm thương mại. Xu hướng này được dự báo sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong thời gian khá dài.
Một xu hướng nữa mà tôi muốn nhấn mạnh là chủ nghĩa bảo hộ. Dịch bệnh chính là tác nhân đẩy chủ nghĩa bảo hộ gia tăng nhanh chóng, vì trong giai đoạn kiểm soát Covid-19, các biện pháp phòng vệ được tăng cường rất nhiều, đặc biệt liên quan đến anh ninh, y tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Ông có nói tới xu hướng nhân rộng, nhân nhanh chuỗi dựa trên các sản phẩm công nghệ thời kỳ dịch bệnh. Liệu doanh nghiệp Việt Nam có nhanh chóng đón bắt được xu hướng này?
Liên quan xu hướng số hóa, trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu và dự báo còn là câu chuyện dài hạn, thì việc số hóa nền kinh tế sẽ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thách thức với nền kinh tế như Việt Nam lại không phải vấn đề công nghệ, mà là câu chuyện về thể chế để có thể đáp ứng được các xu hướng hiện nay hay không. Đây là một vấn đề lớn.