Lĩnh vực logistics của Việt Nam được đánh giá là có cơ hội khi EVFTA thực thi, nhưng mới chỉ ở khâu thiết lập đại lý. |
Khó cạnh tranh
Để đón bắt cơ hội từ thị trường EU và duy trì hoạt động ổn định, từ tháng 7/2020, Công ty TNHH Dịch vụ logistics Bảo Vận đã đưa vào vận hành khu kho 7 ha trong một cụm công nghiệp tại huyện Văn Giang (Hưng Yên), từng bước tiếp cận thị trường EU thông qua tìm kiếm đối tác làm đại lý.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Văn Minh, Phó giám đốc Công ty Bảo Vận cho biết, Công ty đang hợp tác với một số hãng logistics lớn trên thế giới, nhưng cũng chỉ đảm trách một số đầu việc rất nhỏ trong hệ thống của họ như tracking (vận chuyển).
Doanh nghiệp đi theo hướng làm đại lý cho các bên, bán thương mại cho các hãng toàn cầu, với khởi đầu mới làm đại lý cấp 3-4 cho các công ty lớn và đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng và phương tiện, còn khả năng cạnh tranh với các đối tác ngoại hầu như không thể.
“Doanh nghiệp logistics tổng hợp nhiều ngành, đòi hỏi đầu tư hạ tầng và vật chất rất tốn kém. Các công ty toàn cầu có tiềm lực rất mạnh, với đội tàu biển, tàu bay hùng hậu, trong khi các doanh nghiệp logistics Việt hầu như chưa đủ sức đầu tư”, ông Minh nói.
Doanh nghiệp logistics Việt hiện nay chủ yếu làm thương mại, bán gói dịch vụ cho hãng toàn cầu. Đánh giá về tác động của EVFTA đến thị trường logistics Việt Nam, ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cho rằng, Hiệp định là cú hích cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam. “Một khi hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu phát triển thì ắt logistics cũng sẽ phát triển, bởi đây là ngành “ăn theo”, nhưng có thể mang lại giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho phát triển thương mại, xuất nhập khẩu”, ông Tương nói.
EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ nới rộng tự do cung cấp dịch vụ, nên doanh nghiệp logistics có nhiều cơ hội phát triển. Những đầu việc mà các tập đoàn vận tải và giao nhận lớn trên thế giới không làm khi thâm nhập thị trường Việt Nam thì vô hình trung là cơ hội cho doanh nghiệp Việt, nhất là đảm nhận những đầu việc vận tải, giao nhận và thủ tục hải quan trong nước.
Tuy nhiên, logistics muốn bứt lên được thì đương nhiên hàng hóa đi EU và chiều ngược lại cần phải thông, nhưng để làm những điều đó, cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), truy xuất nguồn gốc, mua sắm công, chất lượng hàng hóa mà EU yêu cầu theo EVFTA.
Dù EVFTA có hiệu lực, hàng hóa đi EU nhộn nhịp, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận đối tác và thị trường logistics châu Âu, nhưng cũng chỉ ở mức độ bắt tay với đối tác EU để lập đại lý và chưa thể thâm nhập sâu vào chuỗi dịch vụ logistics của đối tác ngoại.
Gỡ điểm nghẽn hạ tầng
Theo đánh giá của ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ngành dịch vụ logistics Việt Nam có bước phát triển nhanh và mạnh trong thời gian vừa qua. Với tốc độ phát triển từ 13-15%/năm, có thể nói, logistics là ngành có tiềm năng phát triển lớn của nền kinh tế. Bản thân logistics là ngành dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác nhau và cả hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.
Song những lợi thế lớn về logistics của Việt Nam chưa được khai thác hết, đặc biệt Việt Nam có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, bờ biển dài, nên có thể đảm nhiệm vai trò trung chuyển hàng hóa của khu vực.
Các thành viên Tiểu ban Vận tải và Hậu cần thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá, dịch vụ logistics là một trong những ngành chủ chốt ghi nhận hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) sôi động trong năm 2018 và 2019, cho thấy sức hút rất lớn của ngành.
EuroCham cho rằng, hạ tầng hậu cần chất lượng cao và thủ tục hải quan hiệu quả, nhanh chóng là hai mục tiêu Việt Nam cần đạt được để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, gia tăng năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, kết nối các công ty nội địa vào chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành trung tâm vận tải của khu vực ASEAN.
Theo EuroCham, kế hoạch cải thiện Chỉ số hiệu quả logistics mà Bộ Công thương đề ra năm 2019 đã bao quát phần lớn các vấn đề mà doanh nghiệp EU nêu ra trước đó. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều có thể được thực hiện về khía cạnh đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường vì những nội dung này còn khá giới hạn trong bản kế hoạch.
Một vấn đề chính cản trở phát triển của ngành logistics hiện nay là tình trạng thiếu kho bãi/khu đất hậu cần để tạo điều kiện phát triển các trung tâm phân phối/hậu cần có chất lượng, đặc biệt là khu vực ngoại ô Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng yêu cầu hàng hóa chất lượng cao hơn, đa dạng hơn và giao hàng nhanh hơn. Điều này đặt ra một thách thức đáng kể trong việc tìm kiếm không gian và địa điểm để làm kho bãi và khu phân phối hàng hóa.
EuroCham cho rằng, khu vực đô thị của Hà Nội và TP.HCM khó có thể đáp ứng nhu cầu kho bãi ngày càng cao. Một khó khăn khác là nhiều chủ đất không đồng ý cho thuê riêng phần kho bãi, mà muốn vận hành toàn bộ khu vực hoặc ít nhất có thể kết hợp nhiều dịch vụ trong quá trình hoạt động.