Doanh nghiệp
Chuỗi cung ứng ngành công nghiệp được bảo vệ
Thế Hải - 05/06/2021 10:46
Chuỗi cung ứng toàn ngành công nghiệp tiếp tục được bảo vệ, thể hiện ở chỉ số sản xuất tăng cao của nhiều ngành sản xuất chính yếu như thép, điện thoại, linh kiện, giày dép...
Sản xuất thép, điện thoại, linh kiện, giày dép... vẫn tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021

Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, tuy nhiên nhờ nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 vẫn tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ đó, 5 tháng đầu năm 2021, IIP tăng 9,9% so với cùng kỳ, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%) tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 2,1%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5%...

Báo cáo sản xuất công nghiệp và thương mại 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Công Thương chỉ rõ, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng cao, điển hình là sản xuất kim loại tăng 38%; sản xuất xe có động cơ tăng 35%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 15,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 15,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 13,6%; sản xuất đồ uống tăng 12,8%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%; khai thác than cứng và than non giảm 3,8%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 0,4%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 60%; ô tô tăng 56%; linh kiện điện thoại tăng 36,4%; điện thoại di động tăng 22,2%; sắt, thép thô tăng 18,4%; xe máy tăng 15,3%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,5%; ti vi tăng 13,2%; giày, dép da cùng tăng 12,6%; bia các loại tăng 11,7%.

Những sản phẩm sụt giảm có khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 13,1%; phân u rê giảm 8,1%; dầu thô khai thác giảm 9,4%; xăng, dầu các loại giảm 9,3%; than sạch giảm 3,7%.

Theo Bộ Công Thương, với khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động trên cả nước, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn, trong khi đợt dịch bùng phát lần thứ 4 là chủng mới, lây lan nhanh.

Dù vậy, doanh nghiệp  tại các KCN tại Bắc Ninh, Bắc Giang với đặc thù sản xuất các mặt hàng xuất khẩu như điện thoại, linh kiện, dệt may... phải tự đánh giá sự an toàn của cơ sở và xây dựng tốt phương án duy trì sản xuất theo từng cấp độ, thực hiện các giải pháp bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sản xuất an toàn không để ngưng trệ, đứt gãy chuỗi sản xuất.

Đơn cử, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 9,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%. 

Tin liên quan
Tin khác