Doanh nhân
Chuyện chưa kể về doanh nhân dốc tâm huyết cho Tràng An - Bái Đính
Quý Hưng - 03/09/2015 08:10
Tên tuổi Giám đốc Công ty Xuân Trường Nguyễn Văn Trường gắn liền với Quần thể danh thắng Tràng An và chùa Bái Đính - Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Ông đang thực hiện Dự án Khu du lịch Tam Trúc - Ba Sao và trùng tu xây dựng 6 ngôi chùa ở Trường Sa. Với ông, chùa chiền như những mốc chủ quyền thiêng liêng của dân tộc và Tổ quốc.

Từ Quần thể danh thắng  Tràng An…

Quê hương của doanh nhân tuổi Quý Tỵ này ở xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình - một vùng quê trầm tích Cố đô Hoa Lư huyền thoại. Ông đã dốc hết tâm huyết và năng lực góp phần tô đậm hình ảnh Quần thể danh thắng Tràng An trên bản đồ du lịch sinh thái tâm linh trong nước và thế giới.

Doanh nhân Nguyễn Văn Trường đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Kiến trúc nổi bật của chùa Bái Đính là những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam. Công trình sử dụng nguyên vật liệu chính là đá xanh, gỗ quý các loại, ngói men màu nâu sẫm Bát Tràng... Nhiều chi tiết trang trí kiến trúc chùa mang đậm dấu ấn của các làng nghề, như đúc đồng Ý Yên, chế tạc đá Đà Nẵng...

Doanh nhân Nguyễn Văn Trường

 

Hiện hữu giữa núi non hùng vĩ, chùa Bái Đính nổi tiếng với những kỷ lục châu Á và khu vực, như tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á. Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á.

Chùa còn giữ nhiều kỷ lục của Việt Nam, như chuông đồng lớn nhất Việt Nam (36 tấn), khu chùa rộng nhất Việt Nam (539 ha), khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam (500 vị), khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam và có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam (nhiều cây được chiết từ bồ đề Ấn Độ).

Ông cũng được biết đến là người đưa Ngọc xá lợi Ấn Độ về chùa Bái Đính.

Ông đã đầu tư xây dựng khách sạn hạng sang 5 sao theo phong cách Á Đông cổ điển, với nguyên vật liệu chính là các loại gỗ quý hiếm như trắc, cẩm lai..., trên diện tích 20.000 m2 trong khu vực chùa Bái Đính. Nổi bật ấn tượng trong công trình này là một phòng họp hội nghị và phòng ăn uống cấp cao có sức chứa 1.000 khách. Công trình đã chào đón Đại lễ Vesak 2014, với hàng ngàn đại biểu đến từ gần 100 nước trên thế giới.

Bất cứ việc nào có lợi cho di sản và du lịch của Ninh Bình, của đất nước, ông Trường đều sẵn sàng làm. Hội thảo về Cố đô Hoa Lư, lễ hội, hội nghị xúc tiến, nhất là Đại lễ Vesak 2014, ông lặng lẽ đứng sau tổ chức và tài trợ.

Ông Trường từng bày tỏ tâm can: “Quần thể danh thắng Tràng An trở thành khu du lịch sinh thái tâm linh và di sản văn hóa thiên nhiên thế giới là niềm vui lớn nhất của tôi cũng như của quê hương Ninh Bình. Hàng ngàn người dân có việc làm, như chèo đò, chạy xe ôm, bán hàng, chụp ảnh... với mức thu nhập tốt.

… đến Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao

Năm 2000, ông Nguyễn Văn Trường thi công đập tràn hồ Tam Chúc - một vùng hồ ngập nước bao la, các dãy núi đá vôi cao với rừng cây bao phủ thuộc xã Ba Sao (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

Với một người mà cảnh quan thiên nhiên độc đáo và các công trình tâm linh đã ngấm vào hồn thì không thể bỏ qua tiềm năng của “kho báu” trời cho này. Và 6 năm sau, tỉnh Hà Nam đã phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, với chức năng văn hóa tâm linh - nghỉ dưỡng sinh thái - vui chơi giải trí, quy mô cấp vùng Thủ đô và định hướng phát triển cấp quốc gia. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư của các nhà đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Và chủ nhân xây dựng không ai khác, chính là ông Nguyễn Văn Trường.

Ông Trường cho biết, sau 8 năm, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng được sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh Hà Nam, hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư cho giải phóng mặt bằng, tu sửa chùa Ba Sao, khởi công chùa Ba Sao mới, hoàn thành hệ thống nền đường giao thông nội bộ và đường kết nối với khu du lịch chùa Hương, chỉnh trang lòng hồ, nạo vét sông Ba Sao khu dịch vụ đón tiếp khách..., chuẩn bị các điều kiện để khởi công xây dựng khu thể thao dưới nước, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch sinh thái và một số công trình cơ sở hạ tầng khác.

Dự kiến trong các năm tới sẽ đưa vào hoạt động một số công trình chính, với những sản phẩm chủ yếu là du lịch văn hóa - tâm linh, vui chơi giải trí, tham quan - nghỉ dưỡng... Các hạng mục công trình còn lại phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Trường cho biết, khi Dự án hoàn thành, từ 4 bến thuyền, du khách sẽ bồng bềnh như trôi trên mặt nước mênh mông biển hồ Tam Chúc còn có tên là hồ Lục Nhạc – “một vịnh Hạ Long trên cạn”, với núi đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, đàn tì bà, đàn nhị và núi đàn hồ. Mỗi quả núi sẽ là nơi giới thiệu và trình diễn một loại nhạc cụ dân tộc.

Khu du lịch sinh thái hồ Tay Ngai liền kề hồ Tam Trúc, với dãy núi ôm vòng lưng hồ và nhô đều hai bên, nhìn xa tựa ngai vàng vua chúa, tạo nên không gian yên tĩnh, mặt hồ xanh trong phẳng lặng với nhiều hệ sinh thái nguyên sơ, trong đó có sâm cầm, vịt trời quý hiếm. “Ngồi trên nhà nổi mặt hồ, bạn sẽ có những giây phút nhâm nhi chút rượu quê nóng ấm và nghe nhạc, đất trời bỗng thấy như có cả Hồ Tây, Hà Nội”, ông Trường phác thảo.

Còn trên cáp treo bay bổng giữa không trung sẽ đưa bạn thăm núi Thất Tinh - một bức vẽ hoành tráng không gian gắn với 7 ngọn núi ngôi sao: ngọn Sao Khuê (sao văn chương), sao Lâu (sao chăn nuôi, trồng trọt), sao Vị (sao kinh tế), sao Mão (sao hòa bình), sao Tất (sao chiến thắng), sao Chủy (sao cầu an), sao Sâm (sao khí hậu). Một màu sắc triết học huyền bí, thiêng liêng đủ níu kéo bàn chân du khách dừng chân mở tầm mắt muôn phương.

Vào khu trung tâm nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí – nằm ở phía Nam hồ Lục Nhạc, du khách sẽ được bơi lội trong bể bơi, bể vầy, trượt nước, lướt ván, đua thuyền…, chăn dê, uống sữa dê và ăn thịt dê núi, thưởng thức chuối ngự Đại Hoàng tiến vua, gà quê, cơm niêu…, nghỉ ngơi trong các trang trại mô phỏng cuộc sống cư dân. Du khách có thể vào thăm Thung Vạc, nơi vạc đã từng sinh sống hàng bầy.

Du khách sẽ sững sờ, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi vào trung tâm khu du lịch văn hóa - tâm linh nằm trong quần thể chùa Ba Sao rộng 150 ha. Ông Xuân Trường cho biết, Bái Đính kiến trúc 1 ngôi chùa lớn thì Tam Chúc - Ba Sao khi hoàn thành có hàng trăm chùa tháp với hàng ngàn bức tượng Phật. Các chùa tháp lớn, nhỏ, cao, thấp tựa như nhiều cung bậc của cuộc sống trần gian. Trong đó, lớn nhất là Tháp Chính cao 150 m, rộng 2.500 m2. Một hệ thống hành lang dài hơn 20 km – khép kín kết nối các tòa tháp và các chùa tháp đều soi bóng mặt hồ Tam Trúc, tạo vẻ đẹp trầm mặc, uy linh, hoành tráng. Đó chính là vẻ đẹp khác biệt với các khu chùa trên thế giới.

Ông Trường bật mí: “Nơi đây còn có cả một không gian tâm linh phụ trợ như Động Vòng, Động Cô Đôi, Chùa Thiên Phúc và khu vườn Phật 300 ha - nơi ngự của tứ Thánh đế với hàng ngàn đệ tử chắp tay hướng tới cõi niết bàn, nghĩa là đến đây du khách như đến một trung tâm Phật giáo quy mô lớn nhất hàng châu lục”.

Khi Tam Chúc - Ba Sao đi vào hoạt động tổng thể, mỗi năm dự kiến thu hút khoảng 5 triệu lượt khách, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, tạo nguồn thu hàng ngàn tỷ đồng. Tam Chúc - Ba Sao đi vào hoạt động còn tạo ra con đường du lịch tâm linh “Hà Nội - chùa Hương - Tam Chúc - Ba Sao - Bái Đính - Tràng An”, mở ra những trang mới cho ngành du lịch Việt Nam.

“Với cảnh quan tự nhiên sơn thủy hữu tình, có một không hai, quy mô rộng lớn hiếm có, cùng vẻ đẹp nghệ thuật kiến trúc độc đáo, Tam Chúc - Ba Sao sẽ trở thành di sản thế giới”, ông Trường kỳ vọng.

… và những ngôi chùa ở Trường Sa

Hình như, ông Trường sinh ra để làm những việc độc đáo. Ông đang là doanh nhân đạt kỷ lục về số lần và thời gian ra đảo Trường Sa, với rất nhiều lần lên tàu vượt biển, khảo sát, thiết kế tham gia lập phương án thi công, phương án vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, gỗ, tượng, chuông, đồ thờ từ đất liền ra đảo. Ông cho biết, trùng tu, xây chùa trong đất liền đã là kỳ công thì ở ngoài đảo còn kỳ công gấp nhiều lần.

Gian nan là thế, vậy mà mấy năm qua, ông cùng các cộng sự xây dựng, trùng tu tới 6 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa giữa biển khơi xa xôi và đầy bão gió. Chùa Trường Sa Lớn, chùa Sinh Tồn, chùa Nam Yết, chùa Sơn Ca, chùa Phan Vinh, chùa Song Tử Tây nay đã ngày đêm văng vẳng tiếng chuông chùa giữa bão tố, phong ba.

Trong một lần báo cáo về Dự án xây dựng Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, trước lãnh đạo Đảng, Quốc hội, các bộ, ngành và tỉnh Hà Nam, ông Trường đã bộc lộ suy nghĩ của mình khi xây dựng chùa Bái Đính, Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, cũng như khi thực hiện dự án trùng tu xây dựng 6 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa: “Chùa chiền như là những mốc chủ quyền thiêng liêng của dân tộc và Tổ quốc”.

Tin liên quan
Tin khác