Các thiết bị, hệ thống kỹ thuật tự động hóa do ABB cung cấp có chất lượng hàng đầu thế giới, được khách hàng đánh giá rất cao. |
Thay đổi công nghệ, kiến tạo tương lai
Tại Ngày hội công nghệ ABB 2019 với chủ đề: “Chuyển đổi kỹ thuật số, hướng tới tương lai bền vững”, do ABB tổ chức, ABB đã trưng bày các công nghệ và giải pháp tiên tiến, bao gồm ABB Ability™ Connected Services, một trong số 210 giải pháp được hỗ trợ kỹ thuật số của ABB. Giải pháp này thu thập dữ liệu hỗ trợ cho việc đưa quyết định ở mọi nơi, mọi lúc trong thời gian thực để giúp khách hàng đảm bảo thời gian hoạt động và tối ưu hóa hiệu suất của các hệ thống rô-bốt, làm giảm 1/4 tỷ lệ sự cố, đồng thời đạt được thời gian phản hồi và khắc phục vấn đề nhanh hơn 60%.
Điểm nhấn mà ABB mang tới Ngày hội công nghệ ABB chính là rô-bốt YuMi®, được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp gia tăng năng suất, nâng cao hiệu quả hoạt động của một số công đoạn trong nhà máy.
Ra mắt vào năm 2017, rô-bốt YuMi® đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi tham gia chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Lucca Philharmonic.
Là loại rô-bốt có hai cánh tay, YuMi® có khả năng cao hợp tác với con người, không cần rào chắn hay khu vực cách ly, YuMi® cực kỳ phù hợp để nâng cao quy trình lắp ráp tại những dây chuyền sản xuất theo mẻ nhỏ các sản phẩm mang tính cá nhân hóa cao theo chu kỳ ngắn.
Thuyết trình về các sản phẩm công nghệ có thể giúp thay đổi tương lai, ông Brian Hull, Tổng giám đốc ABB tại Việt Nam chia sẻ, hơn 100 năm phát triển, Tập đoàn ABB đã trải qua một quá trình chuyển đổi, hiện đã trở thành doanh nghiệp tiên phong về công nghệ, áp dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, điển hình là năng lượng, sản xuất công nghiệp… Đó là con đường tất yếu để không bị tụt lại phía sau.
“Nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, từ y tế, ngân hàng, bảo hiểm, hàng không… đang chuyển đổi mạnh mẽ để số hóa, đặc biệt với thời của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Không còn con đường nào khác, tôi cho rằng, phải dám thay đổi để có tương lai tốt đẹp hơn. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp chưa nhiều tiềm lực, có thể chọn một công đoạn nào đó để thay đổi, thay vì suy nghĩ phải đầu tư thật nhiều vốn để làm cả quy trình”, ông Brian Hull lưu ý.
Nói thêm về rô-bốt YuMi®, ông Brian Hull cho biết, điều đặc biệt của rô-bốt này là có thể chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chỉ sau đúng 17 tiếng hướng dẫn. Nhiều lĩnh vực sản xuất có thể sử dụng hiệu quả rô-bốt YuMi® chỉ sau một thời gian ngắn hướng dẫn.
“Thời đại 4.0 cho phép thế giới thay đổi nhanh, nếu các nhà sản xuất, Chính phủ không thích ứng và nắm bắt cơ hội, thì quốc gia, nền kinh tế sẽ khó chớp được thời cơ phát triển, nên các doanh nghiệp hãy hành động để chuyển đổi”, Tổng giám đốc ABB nói.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cách mạng năng lượng đang làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo của các ngành công nghiệp và năng lượng.
Tổng giám đốc ABB Việt Nam Brian Hull
Công nghệ kỹ thuật số, sự thâm nhập ngày càng tăng của các nguồn năng lượng tái tạo đang thúc đẩy sự chuyển đổi nhanh chóng này. Dữ liệu số được thu thập từ các thiết bị giúp khách hàng tăng hiệu quả và năng suất, giúp cải thiện chất lượng, an toàn và giảm tác động tới môi trường.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra rằng, vào năm 2030, cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng lên từ 28,5 - 62 tỷ USD. Cơ quan này cũng cho biết thêm, GDP bình quân đầu người dự kiến sẽ tăng từ 315 đến 640 USD vào năm 2030 nhờ năng suất lao động và cơ hội việc làm được cải thiện.
Phát biểu tại Ngày hội Công nghệ ABB 2019, TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 4.0 không phải là điều gì quá xa vời, cùng với sự đồng thuận của Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang ứng dụng công nghệ số trong nhiều lĩnh vực của đời sống.
Dẫn chứng cho việc chuyển đổi công nghệ có thể thay đổi đời sống, kiến tạo tương lai, ông Phạm Hoàng Mai cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Thực hiện chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập ngay nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án và đang trong giai đoạn trình Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về Đề án này”.
Với 5 lĩnh vực ưu tiên là nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh, công nghệ môi trường, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được kỳ vọng trở thành hạt nhân cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước về dài hạn.
ABB là tập đoàn tiên phong với giải pháp, sản phẩm và dịch vụ toàn diện dành cho các ngành công nghiệp kỹ thuật số. Với lịch sử hơn 130 năm đổi mới, ABB ngày nay là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp số với 4 ban kinh doanh dẫn đầu trên toàn cầu với trọng tâm hướng tới khách hàng, đó là: Ban Giải pháp năng lượng, Ban Tự động hóa công nghiệp, Ban Truyền động điện, Ban Rô bôt và tự động hóa công nghiệp, được hỗ trở bởi nền tảng kỹ thuật số chung ABB Ability™.
Với nền kinh tế phát triển nhanh và dân số trẻ, Việt Nam đang chuyển mình trở thành một cơ sở sản xuất toàn cầu. ABB vào Việt Nam được gần 30 năm, đã và đang tiếp tục đóng góp vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế.
Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Robot đầu tiên tại Việt Nam của ABB đặt tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Hiện tại, hai khách hàng lớn nhất của ABB tại Việt Nam là Vinfast với 1.000 robot trong dây chuyền lắp ráp xe ô tô và một công ty điện tử hàng đầu tại Việt Nam với khoảng 3.000 robot khác trong dây chuyền sản xuất linh kiện.
Chuyển đổi là con đường tất yếu
Ông Brian Hull, Tổng giám đốc ABB tại Việt Nam chia sẻ, ngày nay, yêu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm chất lượng ngày một cao hơn và người dân mong muốn có được môi trường sống tốt hơn.
“Tăng trưởng bền vững chỉ có thể đạt được bằng cách áp dụng các công nghệ kỹ thuật số và các ứng dụng sản xuất tiên tiến. Số hóa và công nghiệp 4.0 sẽ là động lực tăng trưởng giúp Việt Nam củng cố vị thế trong khu vực. Với vai trò một công ty dẫn đầu trong ngành công nghiệp kỹ thuật số, ABB tự hào góp phần vào quá trình chuyển đổi này tại Việt Nam”.
Ở tầm vĩ mô, lãnh đạo ABB cho rằng, đã nhìn thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam khi đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tại nhiều diễn đàn rằng, Chính phủ sẽ làm hết sức mình để ủng hộ Trung tâm Đổi mới sáng tạo, bởi nếu không có đổi mới sáng tạo, không có khoa học, công nghệ thì không thành công, không tận dụng được thời cơ đến với Việt Nam.
Chia sẻ quan điểm phát triển hướng tới một tương lai bền vững, ông Johan Alvin, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại và kinh tế, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng, Thụy Điển và Thụy Sỹ có nhiều điểm chung, nhưng nổi bật là những thành tựu về đổi mới sáng tạo.
Hiện nay, cách mạng 4.0 đang diễn ra khắp mọi nơi, từ nhà ra đường và tới các công sở. Điều đó cho thấy, từ cấp Chính phủ tới các doanh nghiệp, người dân đã thích ứng và tư duy đúng đắn về việc phải chuyển đổi, ứng dụng công nghệ trong thời kinh tế số.
“Trước kia, Thụy Điển phải nhập khẩu nhiều dầu để phát điện, nhưng đến khi cuộc khủng hoảng về dầu mỏ xảy ra 50 năm trước, chúng tôi đã tư duy khác, đầu tư mạnh để phát triển thủy điện, điện gió, điện mặt trời… để thoát phụ thuộc vào dầu mỏ và đã thành công”, ông Johan Alvin cho biết.
Hiện nay, 40% cơ cấu điện của Thụy Điển là điện hạt nhân, nhưng mục tiêu của nước này là đạt tới 100% nguồn cung điện là năng lượng tái tạo. Để đạt mục tiêu này, Thụy Điển rất khuyến khích đổi mới sáng tạo, đưa con người ra khỏi lối mòn suy nghĩ. Sáng tạo đến từ các tập đoàn lớn, từ cộng đồng khởi nghiệp sẽ giúp ích nhiều cho quốc gia đạt mục tiêu phát triển trong nhiều lĩnh vực.
Với một nền kinh tế tăng trưởng như Việt Nam, hoàn toàn có thể tiến tới mục tiêu phát triển và cung cấp năng lượng xanh từ các nguồn điện gió, điện mặt trời, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên khai thác.